Không ít bà mẹ cho rằng, cần hạn chế ăn cá trong khi mang bầu, bởi nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến thai nhi sau này. Vậy thực tế điều này ra sao và nên ăn cá thê nào là hợp lý?






Thủy ngân gây độc cho thai nhi

Theo PGS.TS Đỗ Quang Huy (Khoa Môi trường - ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), nhiều tài liệu khuyến cáo về việc cá bị nhiễm metyl thủy ngân ảnh hưởng đến thai nhi. Metyl thủy ngân là một dạng của thủy ngân, có trong môi trường nước ngọt và đại dương, trong cơ thể sinh vật. Đối với cá, lượng metyl thủy ngân tích lũy cao ở những loài cá đầu chuỗi thức ăn, tức những loài cá lớn ăn thịt.
Thủy ngân hấp thu vào cơ thể cá, tạo thành liên kết cộng hóa trị với nhóm protein. Do liên kết này bền vững, nên để giải phóng metyl thủy ngân cần mất 2 năm. Kết quả, là có sự làm giàu (tích lũy) metyl thủy ngân từ bậc dinh dưỡng này lên bậc cao hơn. Theo nghiên cứu, các loài cá chứa nồng độ metyl thủy ngân cao là cá kình, cá mập, cá kiếm… Vì vậy, bà bầu tuyệt đối không nên ăn các loại cá này. Khi ăn phải cá chứa thủy ngân, hàm lượng sẽ được tích lũy trong cơ thể và gây ngộ độc. Đặc tính nguy hiểm nhất của metyl thủy ngân chính là đi qua nhau thai vào các mô bào thai. Sự liên kết của chất này không dễ bị phá hủy, thậm chí còn được giữ lại lâu dài. Ở nồng độ cao, metyl thủy ngân đi qua nhau thai và được tìm thấy trong máu của thai nhi cao hơn so với người mẹ. Chính nó gây ức chế sự phát triển não của bào thai, làm giảm kích thước và trọng lượng não.
Sự liên kết của ion thủy ngân với màng tế bào não ngăn cản sự vận chuyển tích cực của đường qua màng tế bào và cho phép chuyển dịch kali qua màng. Điều này dẫn tới thiếu hụt năng lượng trong tế bào não và gây ra những rối loạn trong việc truyền kích thích thần kinh. Khi sinh ra, trẻ có nguy cơ bị phân liệt thần kinh, kém phát triển về trí tuệ và bị chứng co giật. Không những thế, metyl thủy ngân còn can thiệp vào sự phân chia tế bào và tổng hợp protein của tế bào thân kinh gây ra mù, điếc…
Nằm trong ngưỡng cho phép
Để thực tế hóa những khuyến cáo trên, các nhà khoa học đã lấy mẫu cá tại một số chợ Hà Nội và phân tích hàm lượng metyl thủy ngân, nhằm giúp người tiêu dùng cũng như các bà bầu có cái nhìn khách quan hơn. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, chỉ cá trắm giòn không phát hiện thấy metyl thủy ngân, còn các mẫu khác đều có chứa metyl (khoảng 0,01µg/kg – 0,39µg/kg). Lượng metyl thủy ngân trong cá thu là cao nhất: 0,39µg/kg, cá hồi: 0,1µg/kg, cá chỉ vàng: 0,03µg/kg, cá cam: 0,02µg/kg.
Tuy nhiên, áp theo quy chuẩn Việt Nam, giới hạn mức tồn dư cho phép đối với các loài cá là 0,5mg/kg, cá ăn thịt là 1,0mg/kg. Lượng metyl đưa vào cơ thể mỗi người không gây hại đến sức khỏe là 0,0016mg/kg/tuần. Vì thế, các mẫu thí nghiệm tại Hà Nội đều có lượng thủy ngân rất thấp và nằm trong giới hạn cho phép.
Nhưng ở góc độ tiêu dùng, bà bầu nên áp dụng theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Đó là, không ăn các loài cá ăn thịt có hàm lượng thủy ngân rất cao, từ 0,70 – 1,45mg/kg. Cá có hàm lượng metyl thủy ngân từ 0,09 – 0,25mg/kg, thai phụ chỉ nên ăn 2 lần/ tuần, tức không quá 340g. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp, dưới 0,08mg/kg không bị giới hạn.
Tạp chí Bầu số 65 - Tháng 10/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn