Giai đoạn mang thai là lúc mà mọi phụ nữ đều rất cần chú ý đến việc ăn uống hợp lý. Bạn cần đảm bảo cả mình và đứa con trong bụng đều nhận được đủ dinh dưỡng để con phát triển tốt.






Đây không phải là lúc để bạn ăn kiêng hay cắt giảm lượng calo, mà là lúc thích hợp nhất để bạn xem xét lại xem mình nên ăn gì, và ăn như thế nào để tốt nhất cho mình và con. Hãy nhớ đến số lượng cân nặng mà bạn cần tăng thêm trong thai kỳ khi lựa chọn thực phẩm.

Những lời khuyên vàng khi ăn uống

- Ăn sáng đầy đủ để khởi đầu ngày mới một cách tốt nhất. Một bữa sáng bao gồm đủ các dưỡng chất protein, chất béo, carbonhydrate và chất xơ sẽ đem lại cảm giác thoải mái cho cả ngày.

- Chia nhỏ các bữa ăn và ăn thêm các bữa nhẹ giữa các bữa chính thay vì chỉ ba bữa lớn mỗi ngày.

- Đảm bảo protein trong mỗi bữa chính và bữa phụ, tránh các thực phẩm có chứa đường tinh luyện hoặc bột mì đã qua chế biến. Lựa chọn này sẽ giúp ổn định mức đường huyết và bạn không bị đói.

- Thêm rau quả vào các bữa ăn theo nhiều cách sáng tạo, chẳng hạn như: thái nhỏ rau và chiên cùng trứng trong bữa sáng; kẹp dưa leo, cà chua vào những lát bánh mỳ ăn xế, thậm chí còn có thể thêm vài lát trái cây như táo; thêm các khoanh táo, sấu, nho hoặc mơ khô vào xa lát, cốc sữa chua...

- Chú ý hơn đến folate: hầu hết phụ nữ không nhận được đủ lượng axit folic trong thực đơn hàng ngày của mình, vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên uống bổ sung thêm từ 400-800mg axit folic mỗi ngày. Có một số đối tượng có nhu cầu axit folic cao hơn bình thường, chẳng hạn như những phụ nữ bị thừa cân, hoặc những người có nguy cơ sinh con bị khuyết tật ống thần kinh; nhưng không được sử dụng nhiều hơn lượng được khuyến nghị nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sỹ trước đó.

- Lựa chọn chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe (từ dầu oliu, dầu cải, dầu đậu phộng), tránh các chất béo bão hòa và hydro hóa (mỡ động vật, dầu cọ, bơ thực vật).

- Sử dụng nhật ký dinh dưỡng khi mang thai để theo dõi các loại thực phẩm và lượng dinh dưỡng tiếp nhận vào cơ thể để bảo đảm bạn được cung cấp đầy đủ các chất. Việc này cũng sẽ giúp để bạn theo dõi tâm trạng và cơn đói của mình để có thể điều chỉnh cần thiết.

- Tham khảo các nguồn thông tin đáng tin cậy để biết các loại thực phẩm nào tốt cho bà bầu, loại nào cần hạn chế, và loại nào tuyệt đối không nên sử dụng.

Nên ăn vặt bằng những món gì?

Bạn có thể tránh cho mình bị đói giữa những bữa ăn chính bằng một số món ăn vặt lành mạnh như:

- Một quả táo và một nắm hạnh nhân hoặc hạt dẻ;

- Một lát bánh mỳ nướng ngũ cốc nguyên hạt và một thìa bơ hạnh nhân bổ sung protein;

- Một cốc sữa tách kem (khoảng 200ml) và một quả chuối;

- Nửa cốc sữa chua kèm một chút mật ong nếu bạn thèm ăn ngọt;

- Sáu miếng bánh quy ngũ cốc với một hoặc hai miếng phô mai ít béo;

- Một quả trứng luộc với vài loại rau ăn kèm như cần tây, cà rốt, ớt chuông thái nhỏ...

Bên cạnh đó, cũng hãy thận trọng với các loại đồ uống: bất cứ thứ gì có chứa đường tinh luyện (nước trái cây có đường, cà phê sữa, nước ngọt...) có thể làm cho lượng đường trong máu thay đổi, thúc đẩy các cơn đói và gây đau đầu. Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ thì thậm chí loại soda không đường cũng có thể gây tăng cân, dù các chuyên gia chưa biết chính xác là vì sao. Vậy nên thay vào các loại nước trên, bạn hãy uống:

- Nước ép rau quả chứa ít natri;

- Nước có pha nước ép lựu với vài lá bạc hà;

- Nước ép cà rốt pha cùng cam vắt;

- Sữa đậu nành không đường nguyên chất hoặc có hương vani, sô-cô-la, dùng kèm đá;

- Sữa tách béo các vị không đường – như vani, cacao. (Lưu ý: Các chất làm ngọt nhân tạo ở lượng vừa phải thì không gây hại, tuy nhiên tốt nhất bạn nên tránh sử dụng chất tạo ngọt saccharin vì chất này có thể qua nhau thai và vào mô của con.)

Nếu bạn ăn uống khó khăn...

Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống khỏe mạnh và đầy đủ cho cả hai mẹ con mà không khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Trường hợp bạn có những vấn đề như thường ăn uống quá đà khi buồn bã hay căng thẳng, cũng hãy tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia này.

Ngoài ra, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong thói quen ăn uống hàng ngày, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bạn nhé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn