Cảm giác mệt mỏi là thường trực khi bạn mang thai. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, khi cơ thể phải sản sinh các hormone mới và chuẩn bị cho việc sinh em bé. Thể chất, tâm lý thay đổi trong thời kỳ này cộng với cảm giác nặng nề khi bào thai ngày càng lớn sẽ gây ra vô số sự căng thẳng, khó chịu…






Sự thay đổi của cơ thể

Hormone sản sinh ra trong những ngày đầu thai kỳ gọi là hormone duy trì thai, nó có thể là nguyên nhân làm thai phụ cảm thấy uể oải và buồn ngủ. Hơn nữa, cơ thể còn phải sản xuất nhiều máu hơn để nuôi dưỡng bào thai, đó là nguyên nhân làm cho tim và các cơ quan khác làm việc nhiều hơn. Hơn thế nữa là sự thay đổi của cơ thể khi phải thích nghi với một “hoàn cảnh” mới. Tất cả sự thay đổi này gây ra sự căng thẳng cho cơ thể, dẫn đến mệt mỏi.

Suốt giai đoạn sau của thai kỳ, cơ thể phải làm việc nhiều hơn khi em bé trong bụng ngày càng lớn lên. Vài triệu chứng xuất hiện muộn sẽ làm bạn thấy mệt mỏi:
Khó ngủ
Phải đi tiểu thường xuyên trong đêm
Chân bị chuột rút giữa đêm
Chứng ợ nóng

Triệu chứng thiếu máu

Mệt mỏi cũng có thể do dấu hiệu của thiếu máu, đặc biệt là sự thiếu hụt chất sắt, thường xảy ra với khoảng một nửa số thai phụ. Sắt giúp cơ thể đưa oxy vào máu, rất cần thiết cho thai phụ và em bé trong bụng. Do đó bạn cần tăng lượng sắt trong suốt thai kỳ, vừa cho sự khỏe mạnh của em bé, cho cơ thể bạn vừa “để dành” cho sự mất máu của quá trình sinh nở sau đó.

Các dấu hiệu của thiếu máu:

Nhịp thở ngắn
Tim hay đập nhanh
Suy nhược
Da xanh tái
Hay hoa mắt, chóng mặt


Hãy nói với bác sĩ sản khoa nếu bạn thấy các dấu hiệu của chứng thiếu máu làm bạn quá sức chịu đựng.

Bí quyết giúp giảm bớt sự mệt mỏi của thai kỳ

Chợp mắt và nghỉ ngơi. Sự nghỉ ngơi có thể diễn ra trong ngày, trong giờ ăn trưa hay sau bữa tối. Ở nơi làm việc, hãy thường xuyên dành thời gian và không gian giải lao cho chính bạn và tạo nguồn năng lượng mới.

Đi ngủ sớm. Bạn cần điều chỉnh lại thời gian biểu và đi ngủ sớm hơn bình thường, đặc biệt nếu thấy mình thường thức dậy nhiều lần trong đêm. Vào giường khi bạn cảm thấy mệt. Không gắng sức để thức cho đến giờ ngủ bình thường.

Tránh những thứ làm bạn hay thức dậy trong đêm. Uống nước vào khoảng đầu hôm. Không uống bất cứ thứ gì từ 2-3 tiếng trước khi đi ngủ, bởi bạn sẽ không muốn thức dậy thường xuyên để đi tiểu. Nếu thường bị ợ nóng, chắc chắc là bạn phải ăn bữa cuối của ngày vài giờ trước khi đi ngủ. Nhẹ nhàng duỗi các cơ chân ra trước khi chìm vào giấc ngủ sẽ giúp tránh chứng chuột rút rất thường đến trong khi ngủ.

Tập thể dục. Trừ khi sức khỏe của bạn có dự chỉ định cần phải thận trọng của bác sĩ, còn không hãy có gắng tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Lựa chọn những bài tập vừa phải, đi bộ chẳng hạn, giúp nâng cao tinh thần và gia tăng năng lượng.

Uống nhiều nước (nước lọc, sữa, nước ép trái cây). Không đủ nước vào cơ thể có thể góp phần làm cho bạn mệt mỏi.

Thư giãn. Tránh xa những thứ gây căng thẳng. Cắt bớt những việc ngoài xã hội và tích cực tìm các hoạt động khác làm bạn thấy dễ chịu. Áp dụng các phương pháp thư giãn, như là thở sâu, khi bạn cảm thấy rằng bạn cần xua tan sự uể oải.

Đề nghị sự giúp đỡ. Hãy nhờ chồng bạn, những người thân hoặc bạn bè giúp bạn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn cảm thấy quá sức chịu đựng, hãy nói với người thân hoặc bác sĩ xem có cách nào giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Để sức khỏe tốt hơn, bạn đừng ngại ngần tìm một nơi để nương tựa an ủi và chia sẻ.

Ăn uống đúng cách. Có chế độ ăn cân đối, bao gồm nhiều sắt và protein. Thức ăn giàu chất sắt rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai: thịt màu đỏ (thịt bò), hải sản, thịt gia cầm, các loại hạt hoặc cũng có một lượng lớn sắt trong ngũ cốc, pate, rau có màu xanh sẫm, đậu và củ. Uống nước cam sau khi ăn món giàu chất sắt giúp cơ thể hấp thụ các khoáng chất tốt hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn