Nếu không chú ý, bạn có thể vô tình gây ra những mối hại cho con khi làm đẹp ở giai đoạn đang mang thai, cho con bú, thậm chí chỉ khi bé ngủ cùng mẹ. Bạn nên cẩn trọng khi chọn các cách làm đẹp sau đây.








Dùng kem dưỡng da, son môi
Bác sĩ (BS) Phạm Xuân Khiêm – BV Thẩm mỹ Emcas (TP.HCM) cho biết, trong mỹ phẩm có hai nhóm thành phần thường gây kích ứng: chất bảo quản và chất màu tổng hợp. Nhóm chất bảo quản thường được ghi trên sản phẩm là para hydroxybenzoic axít (paraben) hay methyl paraben, propyl paraben.... Những chất này được dùng để chống mốc, nhưng chỉ giúp tạm thời ức chế các vi khuẩn nếu có trong mỹ phẩm, nên có thể lại chính là phương tiện đưa vi khuẩn đến cho người dùng. Trẻ em có hệ nội tiết chưa hoàn thiện, có ý kiến lo ngại rằng, tính chất giống estrogen của paraben có thể là một yếu tố gây dậy thì sớm ở bé gái.
Chất màu tổng hợp thường được dán nhãn là FD&C hoặc D&C (tiếp theo là số màu như FD&C Yellow - màu vàng). Các hoạt chất này độc hại, có thể gây dị ứng da, tổn thương gan, thận..., thậm chí có thể dẫn tới ung thư. Khi bạn thoa mỹ phẩm có những hoạt chất này và tiếp xúc với trẻ như ôm, hôn... ít nhiều bé sẽ “dính” mỹ phẩm. Da bé rất nhạy cảm, nên có thể bị kích ứng, ngứa. Nếu bạn thoa lên người và bé nuốt phải khi “thơm” mẹ, tác hại còn lớn hơn.
Tốt nhất mẹ không nên lạm dụng mỹ phẩm trong giai đoạn mang thai và cho con bú, cũng như thời kỳ ngủ cùng bé. Ngoài ra, khi mua mỹ phẩm, mẹ nên đọc kỹ thành phần, chọn mỹ phẩm thiên nhiên đúng nguồn gốc.
Nhuộm tóc
Cũng theo BS Phạm Xuân Khiêm, trong thuốc nhuộm tóc chứa Coaltar và một số chất hóa học khác lưu huỳnh, chì… có thể gây dị ứng, ngứa, mẩn đỏ, chàm, hen, và nhạy cảm với đường hô hấp. Bé ngửi những hoạt chất này sẽ mệt mỏi, khó thở, viêm mũi, có trường hợp bé bị dị ứng chàm, vảy nến. Do đó, sau khi nhuộm tóc, bạn có thể quấn khăn lên đầu khi tiếp xúc với bé để giảm ảnh hưởng của hóa chất tới bé. Tốt nhất là “cách ly” bé khoảng 48 tiếng sau nhuộm tóc.
Đeo trang sức
Khi có thai, nội tiết tố thay đổi tăng lên nên cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với không khí, môi trường và kim loại. Thai phụ nên cẩn trọng với những trang sức có thành phần kim loại. Cụ thể, trang sức bằng vàng pha thường được thêm nickel và đồng để tăng độ bền, chắc. Chính những kim loại thêm vào này là thủ phạm gây viêm da tiếp xúc, dị ứng. Nếu bạn thấy ngứa, rát ở những nơi đeo trang sức, cần tháo ra ngay. Bởi nếu để kéo dài, tình trạng sẽ nghiêm trọng như dị ứng mẩn đỏ, khô da, lở, ngứa, nổi mụn…, có khả năng bạn phải dùng đến kháng sinh để điều trị
Theo BS Lê Ngọc Diệp, BV Đại học Y Dược TP.HCM, điều này hoàn toàn không tốt cho thai nhi và bé đang bú mẹ. Bởi thuốc điều trị dị ứng được chia thành các nhóm A, B, C, D, F… Trong đó, nhóm A khá an toàn nhưng rất ít chủng loại, phần lớn thuốc dị ứng rơi vào các nhóm sau và không được khuyên dùng cho phụ nữ có thai hay cho con bú.

Bạn nên chọn các trang sức từ như sợi cotton, da … và chỉ đeo khi cần thiết, sau đó tháo ra để hạn chế các phản ứng.
Làm đẹp bằng laser, filler, botox
BS Trần Ngọc Sĩ (Phòng khám Chăm sóc da và laser Sian) cho biết, về nguyên tắc, chiếu laser trong các trường hợp làm đẹp không gây ảnh hưởng đến phụ nữ đang mang thai hay cho con bú, nhưng do chưa có một nghiên cứu rõ ràng nào về ảnh hưởng này trên phụ nữ mang thai, nên giới chuyên môn vẫn khuyến cáo bà bầu hoặc mẹ cho con bú không nên thực hiện.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên đi điều trị nám bằng laser, bởi đối với trường hợp nám do thay đổi nội tiết lúc mang thai, các vết nâu trên da sẽ tự nhiên hết sau khi sinh. Ngoài ra, bà mẹ đang cho con bú cũng lưu ý, việc chiếu laser mạnh như CO2 hay laser xâm lấn… có thể gây sưng tấy, mẹ phải dùng thuốc điều trị nên ít nhiều ảnh hưởng đến con.
Tương tự, việc tiêm chích filler hay botox cũng được khuyến cáo là không nên trong thời kỳ mang thai, cho con bú, vì một vài hoạt chất sẽ gây dị ứng cho mẹ như đỏ da, nổi mẩn. Thậm chí nếu BS tay nghề kém, khi chích sẽ gây ra hiện tượng tắc mạch máu, dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử. Khi ấy mẹ phải điều trị bằng thuốc, không có lợi cho con.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn