Thật thương cho một nửa thế giới, đã phải gánh một trọng trách quan trọng là mang nặng đẻ đau, mà lại cứ phải canh cánh trong lòng nỗi lo giữ chồng.







Vợ bầu bì, chồng tranh thủ “tòm tem”
Khỏi phải nói, thời điểm vợ bầu bì là khoảng thời gian các quý ông chồng yếu lòng nhất, dễ “bị dụ” nhất. Bởi vì đối với những chị em có thai kỳ nhạy cảm, hoặc cơ thể mệt mỏi, hay đột ngột giảm ham muốn, thì rất dễ xảy ra tình trạng “mỡ treo, mèo nhịn đói”. Nếu may mắn thì chồng thông cảm, động viên, thăm hỏi, vuốt ve dỗ dành; nhưng xui rủi gặp ông chồng gia trưởng tối ngày hờn trách vợ bỏ bê, rồi nhân cơ hội này lem nhem bên ngoài thì vợ chỉ có nước ôm hận vào lòng.
Khoảng thời gian sau khi sinh con cũng rất căng thẳng. Nhiều mẹ sữa stress, trầm cảm sau sinh cũng vì cứ đầu tắt mặt tối chăm con, không được ra ngoài hít thở không khí, nhất là những mẹ nào có thói quen bay nhảy, bỗng dưng phải ở nhà mấy tháng ròng chăm con, cơ thể sồ sề ít đẹp nên ngại xuất hiện trước đám đông… thì việc ông chồng thiếu tâm lý cứ đi tối ngày không đoái hoài gì đến vợ con càng khiến các mẹ thêm ức chế. Nếu chỉ đi công tác thôi thì còn có thể thông cảm được, đằng này có anh chồng lấy lí do vợ mới sinh, còn phải “kiêng cữ” 3 tháng 10 ngày chồng không nhịn nổi đã đi “bóc bánh trả tiền” khiến người vợ phải đau lòng.
Một người bạn của tôi, sau khi ở cữ nhà mẹ ruột 3 tháng 10 ngày trở về nhà mình, thì thấy “căn nhà hạnh phúc” của mình như thể nhà hoang: bụi bám khắp nơi, mạng nhện giăng trên tường, chăn chiếu bốc mùi hôi và lộn mề cả lên. Sau đó, chị phát hiện anh chồng đã có “phòng nhì”, hiếm khi đặt chân về nhà, cũng chỉ tạt qua nhà ngoại thăm vợ con rồi “chuồn” sớm. Đau lòng hơn nữa khi chị hay tin cô bồ của chồng đã có thai, anh chồng còn mua cho đứa con trong bụng bồ nhí cả nôi điện, quần áo… trong khi chưa hề sắm cho đứa con chung với người vợ chính thức bất cứ thứ gì. Bây giờ, đã 3 năm trôi qua sự kiện đau lòng này, anh chị vẫn không ly dị dù anh đã có đứa con riêng thứ hai. Chị nói: “Chị để yên cho con còn cha, chứ hạng đàn ông này chị khinh lắm”.
Hãy nghĩ đến người phụ nữ của mình
Các anh đàn ông có lẽ cần phải xem lại mình, vì sao lại để vợ mình phải chìm đắm trong nỗi lo chồng lăng nhăng khi vợ ở cữ? Dẫu biết không phải người đàn ông nào cũng có tính mèo mỡ, nhưng phải có lửa mới có khói, đúng không? Người phụ nữ sau khi sinh rất nhạy cảm, chỉ một tổn thương tâm lý cũng khiến các chị em rơi vào tình trạng đau khổ, buồn bã, mất phương hướng, không lối thoát. Những “ca nặng” có thể dẫn tới những kết thúc dại dột, đau buồn, tang thương.
Thiết nghĩ, phụ nữ là phái yếu, chân yếu tay mềm, dễ tổn thương. Trong khi họ đã hi sinh sự nghiệp, hi sinh nét đẹp bản thân, hi sinh sự tự do, thậm chí còn hi sinh tính mạng để sinh con cho chồng thì các anh chồng nên trân trọng vợ mình, yêu thương chia sẻ và bù đắp để vợ có động lực làm mẹ hiền, làm vợ tốt.
Bản thân tôi cho rằng những người đàn ông mèo mỡ, không kìm chế dục vọng bản thân đến nỗi phản bội người vợ đấp ấp tay gối khi cô ấy đang kỳ kiêng cữ; thì người đàn ông ấy thật ích kỷ, nhỏ nhen và vô đạo đức.
Các anh sẽ thế nào nếu thượng đế trao cho các anh thiên chức mang thai và sinh con, chứ chưa nói đến chuyện sẽ bị phản bội bởi chính người vợ mình thương yêu và tin tưởng khi các anh đang ở nhà cho con bú? Hãy đặt mình vào vị trí của người vợ, để biết trân trọng hơn hạnh phúc của người chồng, người cha trong gia đình.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn