Một sáng thức dậy, đột nhiên bạn thấy mình chới với trong một cơn khó thở. Tim đập nhanh, tay chân run rẩy, mồ hôi vã ra. Ðừng quá sợ! Vì khó thở là một trong những triệu chứng mà giai đoạn thai nghén có thể gặp phải. Bạn chỉ cần hiểu thật rõ về nó và chăm sóc cho nhịp thở của mình thật tốt thôi… – Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành







Nhịp thở của bạn sẽ nhọc nhằn hơn, vì

Bạn biết đấy, trong người bạn giờ đây có thêm một mầm sống mới. Bà bầu nào cũng sẽ cần nhiều oxy hơn nên việc thở nhanh hơn, gấp hơn, hệ hô hấp bất thường hơn một chút không có gì là quá nghiêm trọng. Ðặc biệt, bạn còn bị hormone progesterone tăng lên chi phối. Hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kích thích trung tâm điều khiển hô hấp trên não, làm cho những nhịp thở của bạn trở nên khó khăn và gấp gáp hơn.

Ôi chao, nghe “nhọc nhằn” quá nhỉ! Ðã vác một cái bầu to đùng, nặng nề mà hơi thở còn dồn dập như vừa phải chạy 100m về tới đích thì quả là quá… cực! Nhất là trong những tháng cuối thai kỳ, bé yêu trong bụng đã phát triển nhanh và mạnh lắm rồi, bé gây áp lực lên cơ hoành phía dưới phổi nên những cơn ngạt thở đến với bạn càng thường xuyên hơn. Trường hợp bạn đang mang đa thai (sinh đôi, sinh ba…), tình hình càng “bi đát” hơn nữa và những cơn khó thở càng trở nên nặng nề. Tuy nhiên, đừng quá hoảng sợ vì chuyện đó. Kỳ thực đến gần cuối thai kỳ, sắp bước vào ngày sinh, bạn lại cảm thấy mọi thứ ổn hơn và những cơn ngạt thở, khó thở đó sẽ không còn ám ảnh bạn trong ngày vượt cạn nữa đâu.

Làm gì để “trị” những cơn khó thở bây giờ?

Như đã nói, tình trạng khó thở, hơi thở hổn hển, gấp gáp này không phải là chuyện quá nghiêm trọng, trừ khi có những dấu hiệu bất thường khác kèm theo như huyết áp thay đổi đột ngột, sốc, choáng váng… Còn lại, để tránh những cơn khó thở đáng ghét xảy ra, bạn chỉ cần nhắc nhở mình luôn di chuyển, đi đứng với tốc độ thật chậm rãi, thong thả, nhẹ nhàng. Chưa cần thấy mệt bạn đã nên nghỉ một lát rồi chứ đừng gắng sức làm việc gì đó cho xong, đến lúc thấy khó thở mới chịu nghỉ.

Trong suốt chín tháng thai kỳ, nên giảm hết các việc nhà thuộc dạng nặng và quá sức. Chỉ nên làm các việc thật nhẹ nhàng. Ở công ty của bạn cũng vậy, việc đi lại lên xuống cầu thang cần được “chia nhỏ” ra. Ví dụ bạn muốn lên 1 tầng lầu thì chỉ nên đi nửa tầng, đến chỗ bậc dừng là nghỉ một lúc, hít thở sâu vào cho đến khi nhịp thở ổn định mới thong thả đi lên tiếp. Bạn cũng nên tránh ngồi cả buổi ở bàn làm việc. Hễ làm chừng nửa tiếng, bạn cần đứng dậy thong thả đi lại một chút, bước ra ngoài ban công hít thở khí trời càng tốt.

Về tư thế ngồi, trong suốt chín tháng thai kỳ, bạn nên nhắc mình luôn ngồi thẳng lưng để phổi có thể tiếp nhận oxy dễ dàng. Càng cong người, lom khom bạn sẽ càng khó thở đấy nhé. Lúc nằm ngủ, bạn cũng nên chọn tư thế nằm phù hợp, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Nếu cần thiết, nên kê thêm gối cao lên ở phần thân trên để có thể thở dễ dàng hơn trong lúc ngủ.

Bạn chỉ nên thận trọng, nếu như…

Trong một vài trường hợp đặc biệt, bạn nên thận trọng với tình trạng khó thở nếu như hiện tượng này lặp đi lặp lại, kể cả khi bạn đã làm hết cách để ngăn ngừa, phòng tránh như đi lại nhẹ nhàng, hít thở chậm – đều – sâu. Hãy hỏi bác sĩ, để được làm một số xét nghiệm, kiểm tra xem bạn có mắc chứng bệnh hen suyễn, viêm phổi hay những bệnh liên quan đến hệ hô hấp không.

Càng nên thận trọng nếu như đi kèm với triệu chứng khó thở, bạn thấy xuất hiện thêm cảm giác đau ngực, choáng váng, chóng mặt, da mặt thường xuyên tái xanh, có kèm theo ho hay sốt. Trong trường hợp này, bạn nhất thiết phải trao đổi ngay với bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình vì đây không còn là triệu chứng khó thở bình thường của bà bầu nữa.

Phòng của thai phụ

Một căn phòng thoáng đãng sẽ giúp bạn… thở dễ dàng hơn nhiều trong chín tháng thai kỳ của mình. Phòng của thai phụ nên tuân thủ các yêu cầu về lưu thông khí sau đây…

» Nên thường xuyên mở cửa sổ để thay đổi luồng khí, tránh suốt ngày mở máy lạnh kể cả trong những ngày trời hơi oi bức.

» Phòng nên sáng sủa, thoáng đãng. Giường ngủ luôn sạch sẽ và gọn gàng.

» Không nên đặt các chậu cây hoa loại có phấn hoa hoặc mùi hương nồng trên bậu cửa sổ hoặc ngay ngoài cửa sổ.

» Tránh sắp xếp phòng bà bầu có cửa sổ mở ngay ra… mặt đường, để hạn chế khói bụi xe cộ xộc vào. Trường hợp phòng của bạn đang nằm ở vị trí này, hãy bàn với anh xã để chọn một căn phòng khác trong nhà làm phòng riêng cho bạn.

» Không nên nuôi chó mèo, chim cảnh… trong phòng thai phụ. Kể cả treo chim cảnh ở ngay ngoài cửa sổ cũng không nên.

» Trong phòng tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng như gián, kiến…

» Hạn chế dùng bất kỳ loại hóa chất nào, kể cả nước hoa xịt phòng trong phòng của bà bầu, để tránh những ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

» Tuyệt đối không đóng kín cửa dùng than tổ ong để đốt, hơ sau khi sinh em bé. Hơi than tổ ong rất độc hại. Khi đốt than, các khí độc thoát ra từ than tổ ong có thể gây ho, khó thở, viêm phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh của bé và mẹ.

» Hạn chế đốt tinh dầu, sáp thơm, nến thơm trong phòng thai phụ. Mặc dù mùi hương của những loại tinh dầu này có vẻ như rất dễ chịu, thư giãn (cứ như trong spa vậy!), nhưng kỳ thực chúng rất dễ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của thai phụ, gây nên những ảnh hưởng không tốt.

» Và cuối cùng, điều đương nhiên phải nhắc bạn, tuyệt đối không một ai bước vào phòng thai phụ được… hút thuốc lá, kể cả nếu cửa sổ đã mở rồi và người đó đứng sát ngoài cửa sổ đi chăng nữa. Hãy biết rằng khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của thai phụ mà còn là nguyên nhân gây nên những dị tật thai nhi.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn