Viêm gan B và C là bệnh lý nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Do đó, mẹ bầu cần biết rõ các triệu chứng của bệnh để có thể ứng phó kịp thời nhằm giữ an toàn, thậm chí là tính mạng của mẹ và con.






1. Viêm gan B ở mẹ bầu

Ở Việt Nam hiện nay có đến hơn 2 triệu phụ nữ bị viêm gan siêu vi B mãn tính đang ở trong độ tuổi sinh sản. Bệnh nghiêm trọng không chỉ gây tổn hại cho mẹ mà còn có thể lây truyền qua cho thai nhi.

Cơ chế lây nhiễm

Virut viêm gan B lây nhiễm qua đường máu, chất dịch vùng kín và các loại chất dịch khác trên cơ thể.




Để phòng tránh viêm gan B, C mẹ bầu nên xét nghiệm kháng thể trước khi mang thai.​
Do đó, mẹ có thể mắc viêm gan B khi quan hệ tình dục với người mắc bệnh. Sử dụng bàn chải đánh răng có dính máu của người mắc bệnh, nhận máu từ người nhiễm bệnh.

Bệnh viêm gan B lây từ mẹ sang con chủ yếu xảy ra trong quá trình sinh khi máu từ nhau thai bong tróc truyền virut cho bé, bé tiếp xúc dịch nhầy và máu của mẹ. Dù sinh thường hay sinh mổ thì mẹ bị nhiễm viêm gan B cũng sẽ truyền bệnh cho con.

Triệu chứng

Các triệu chứng nhiễm bệnh đôi khi không thể hiện rõ ràng khiến người mắc bệnh không nhận biết được bệnh. Nếu có biểu hiện, các dấu hiệu thường thấy là mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và vàng da.

Cách nhận biết

Cách duy nhất để nhận biết bệnh viêm gan B là tiến hành các xét nghiệm y tế chuyên sâu bằng cách phân tích mẫu máu để tìm ra virut gây bệnh.

Nguy cơ cho bé

Bé có mẹ mắc bệnh viên gan B nếu không được điều trị thì 90% bị lây truyền và mắc bệnh mạn tính. Tuy không có dấu hiệu rõ ràng khi chào đời nhưng bé sau này sẽ có nguy cơ khá cao đối với bệnh ung thư.




Tiêm phòng cho trẻ 24 giờ sau sinh là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan B cho trẻ.​
Nếu có mẹ mắc bệnh viêm gan B bé cần được tiêm phòng viêm gan B ngay sau khi chào đời trong vòng 24 giờ. Đây là cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Nguy hiểm cho mẹ

Viêm gan B mãn tính cũng có thể gây ra xơ gan hay ung thư gan. Mẹ bị nhiễm viêm gan B có thể sinh non trước tuần 34, xuất hiện biến chứng trong khi chuyển dạ và bé khi sinh ra có thể bị suy hô hấp.

Thậm chí mẹ có thể có nguy cơ tử vong khi chuyển dạ hay sẩy thai vì máu không đông và gan mất khả năng chống độc trong khi sức đề kháng suy giảm.

Cách xử trí

Cách tốt nhất phụ nữ nên tiêm phòng viêm gan B trước khi quyết định mang thai. Vì dùng thuốc điều trị trong thời gian bầu bí sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Trường hợp mang thai mắc viêm gan B, thai phụ sẽ được tiêm kháng sinh (globulin) để chống lại những triệu chứng nặng của viêm gan B. Lúc này mẹ nên tránh những đồ uống có cồn để giảm áp lực làm việc cho gan. Mẹ cũng nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất để có thể tăng cường sức để kháng cho cơ thể.

Mẹ bị nhiễm viêm gan B sau khi sinh vẫn có thể cho trẻ bú bình thường nếu trẻ đã được tiêm phòng miễn dịch. Mẹ nếu uống thuốc điều trị phòng lây bệnh viêm gan B cho thai nhi thì nên ngừng uống thuốc ngay khi sinh em bé.

2. Viêm gan C ở mẹ bầu

Viêm gan C cũng là một trong những bệnh mẹ bầu có tỷ lệ mắc cao. Tỷ lệ truyền bệnh viêm gan C từ mẹ sang con cũng đáng lo ngại, cứ 20 mẹ bầu mắc bệnh thì lại lây bệnh cho 1 trẻ.

Viêm gan C là gì?

Viêm gan C cũng do virut gây ra. Các triệu chứng của nó cũng không rõ ràng, khá giống với viêm gan B: buồn nôn, vàng da, vàng mắt… Người bị nhiễm virut viêm gan C 6 tháng đầu được xem là viêm gan C cấp tính, lá gan bị tấn công và sưng lên.
Thường viêm gan C có thể tự lành dưới cơ chế chống siêu vi của cơ thể. Tuy nhiên, ở một số người lá gan vẫn tiếp tục sưng và bệnh chuyển sang mãn tính. Lúc này, bệnh có thể phát triển thành xơ gan hay ung thư gan.

Mức độ lây lan của viêm gan C

Viêm gan C lây qua đường máu. Và hầu hết thai nhi sẽ bị bệnh viêm gan C nếu mẹ đang mang bệnh này.

Mẹ nên xét nghiệm để xem mình có mắc viêm gan C hay không nếu đã từng tiêm tĩnh mạch.

Ảnh hưởng của viêm gan C lên trẻ sơ sinh

Với những trẻ sơ sinh có mẹ bị mắc bệnh viêm gan C, bé nên được đưa đi xét nghiệm khi được 10 tháng tuổi. Bởi nếu xét nghiệm sớm hơn thời gian này thì độ chính xác của kết quả không cao.

Trẻ bị viêm gan C nếu được điều trị hợp lý sẽ khỏe mạnh bình thường. Một số trẻ có thể được điều trị bằng thuốc kháng virut để ngăn ngừa các bệnh ở gan như xơ gan hay ung thư gan.

Mẹ vẫn có thể cho bé bú bình thường sau sinh. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý dừng cho bé bú khi núm vú bị tổn thương hay tình trạng vàng da xảy ra nghiêm trọng hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn