Nếu như bạn mang thai và không hề bị trĩ, đó là một may mắn lớn. Vì trung bình, có đến 50% thai phụ mắc bệnh trĩ, một con số cực kỳ cao. Người bình thường bị trĩ đã là một khó khăn. Đến thai phụ thì chuyện đang lặc lè với cái bụng bầu lại còn bị đau đớn, thậm chí chảy máu vì trĩ lại càng là 'chuyện lớn'.





Sao bầu và… trĩ lại đi đôi?

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ, là bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn của… bà bầu. “Kẹt” một cái là vì bệnh ở vùng khó nói nên nhiều bầu… mắc cỡ, bỏ qua và chịu đựng bệnh giai đoạn đầu, với hi vọng bệnh tự khỏi(!). Tự khỏi đâu không thấy, chỉ thấy bệnh ngày càng nặng hơn. Thậm chí đến những tháng cuối gần sinh thì bầu ám ảnh luôn với mỗi lần đi vệ sinh, vì máu cứ chảy ra (mà bầu, có lẽ hơn ai hết sợ cảm giác ra máu nhất!).

Ăn nhiều các loại rau củ quả có tính nhuận trường như chuối, khoai lang, rau đay, mồng tơi, bí đỏ, đậu xanh… sẽ giúp bà bầu “né” trĩ. Trong trường hợp bạn đã đến giai đoạn bị ra máu, nên bổ sung cho mình các loại quả chứ nhiều vitamin C để chống nhiễm trùng.

Trĩ có nhiều giai đoạn. Khi bất ngờ phát hiện thấy vài tia máu li ti lúc đi vệ sinh, bạn đã cần đến bác sĩ. Song, kỳ thực rất hiếm bệnh nhân đến vào lúc này. Bệnh cứ thế nặng hơn. Về sau mỗi khi đi ngoài phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa cứ mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy. Có khi máu chảy rất nhiều bắt bệnh nhân phải vào cấp cứu. Một số trường hợp, máu đọng trong trực tràng, đến khi đi ngoài thì thấy ra máu cục, gây nên ám ảnh tâm lý rất lớn cho bầu.

Bây giờ, trở lại với câu hỏi tại sao bầu lại hay bị trĩ, trong khi thời con gái, nhiều chị khẳng định hoàn toàn mình không bao giờ biết đến “bệnh” đó? Thực chất, có hai nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là lượng máu tăng và táo bón. Quá trình mang thai khiến sự tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. “Hậu quả” đi kèm theo là các tĩnh mạch sẽ giãn nở, nhất là với khu vực vùng xương chậu, do áp lực của túi ối đè nặng xuống. Nếu không biết cách khắc chế, đây sẽ là nguyên nhân đầu tiên, khiến phụ nữ dễ bị trĩ.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến trĩ chính là tình trạng táo bón. Nếu đang là một bà bầu, hẳn bạn biết do những áp lực của thai nhi lên cơ thể, cùng với những thay đổi về hormone, nhịp sinh hoạt, kém vận động… sẽ khiến táo bón trở thành một từ vô cùng quen thuộc. Táo bón khiến việc đi ngoài của thai phụ trở nên rất khó khăn. Các động tác “rặn”, phải ngồi lâu lúc đi vệ sinh, chất thải rắn, cứng… rất dễ gây vỡ các mạch máu li ti. Đó sẽ là nguyên nhân thứ hai góp phần làm cho tình trạng trĩ thêm trầm trọng.

Điều may mắn duy nhất để bầu yên tâm, là tuy trĩ gây đau đớn và bất tiện cho bầu nhưng hầu như trĩ không gây nên bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thai nhi. Tuy nhiên, trĩ lại có thể gây nên những tác động gián tiếp, ví dụ như trường hợp bị nặng, mất máu quá nhiều, rồi thì mẹ căng thẳng, lo lắng, lúc nào cũng khó chịu.

Có 3 cấp độ khác nhau của bệnh trĩ. Trĩ độ một chỉ xuất huyết ở hậu môn sau khi đi vệ sinh (do hậu môn có khe nứt). Trĩ độ hai nhô ra khỏi hậu môn thành chỗ sưng gây khó chịu nhưng tự rút vào. Trĩ độ ba sẽ lộ ra bên ngoài hậu môn, không tự rút vào được mà cần phải đẩy vào. Trĩ độ một và hai có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn uống, thay đổi thói quen là chính. Trừ trường hợp xuất huyết kéo dài mới phải dùng đến phương pháp gây co mạch, khiến các tĩnh mạch không còn phồng ra. Trĩ độ ba cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bạn bị trĩ trong giai đoạn mang thai, việc phẫu thuật sẽ được cân nhắc kỹ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn