Bụng mẹ giống như “phòng tập” dành cho bé. Theo thời gian, suốt chín tháng mười ngày, những cú đạp của bé sẽ có ít nhiều thay đổi, như một tín hiệu báo cho mẹ biết từng giai đoạn bé trưởng thành.










Thời điểm


Bé “đạp” thế nào?




Khoảng 12 tuần


Có thể bạn chưa thật sự cảm nhận được những động tác “máy” nhẹ nhàng của bé. Nhưng thực tế, giai đoạn này, bé đã có những di chuyển, chuyển động tay chân.




16 tuần


Những chuyển động của bé mạnh mẽ hơn và phức tạp hơn. Bé có thể vặn vẹo, thực hiện những cú “đạp” đầu tiên trong bụng mẹ. Mẹ mang thai con rạ dễ cảm nhận được những thay đổi này. Nhưng nếu là con so thì mẹ chỉ mới có chút cảm giác như có gì đó “nhúc nhích” trong bụng.




20 tuần


Cảm giác của những cú đạp dần trở nên rõ ràng hơn.




22 tuần


Nếu vẫn không cảm thấy được những chuyển động của con, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ và thực hiện những kiểm tra. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bác sĩ, thực chất những chuyển động lúc này chưa đủ “mạnh” nên nếu mang thai lần đầu nhiều mẹ vẫn chưa đủ độ nhạy để nhận ra ngay.




Từ tuần 22 trở đi


Các chuyển động của thai nhi mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Lúc này, bé đang thực hiện chế độ tập luyện của riêng mình: uốn, duỗi để tăng cường cơ bắp và phát triển khả năng chuyển động.




Tuần 22 đến tuần 34


Mẹ cảm nhận được các cú đạp rất mạnh của bé. Trong một đôi khi xảy ra tình trạng bất ổn (mẹ mệt, mẹ giật mình vì tiếng động mạnh, mẹ sợ hãi…), bé cũng thể hiện những cách đạp riêng.




Từ tuần 34


Vào cuối thai kỳ, chuyển động của bé có sự thay đổi, ít những cú đá, đạp và tăng cử động cuộn. Bạn đừng lo, chỉ là vì thai đã lớn, bé ít có không gian để xoay người và đạp. Hầu hết các bé cũng dành thời gian này để quay đầu xuống, chuẩn bị cho việc chào đời.




Đếm cử động thai nhi

Sau tuần thứ 28, bạn nên dành thời gian 2 lần mỗi ngày để đếm cử động thai nhi. Trong lúc “thức”, tối thiểu thai sẽ cử động từ 3 đến 4 lần một giờ (tức là mẹ sẽ đếm được khoảng 10 cử động trong vòng 30 phút đến 2 giờ). Thấp hơn mức này, có thể thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khỏe. Ngược lại cử động quá nhiều (hơn 20 lần), có thể thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra. Trường hợp thấy thai cử động quá ít, bạn hãy ăn nhẹ và để ý tiếp trong giờ sau. Nếu số lượng cử động của thai vẫn ít, nên đến khám bác sĩ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn