Những cái đạp, những cú máy nhè nhẹ của con trong bụng mẹ là sự 'giao tiếp' đầu đời mà mẹ vô cùng trân trọng. Động tác thai máy giúp mẹ yên tâm rằng em bé khỏe và con vẫn đang phát triển từng ngày.





Khi nào là… đáng ngại?

Dấu hiệu đáng ngại xoay quanh chuyện bé đạp, máy trong bụng mẹ là: Sau 5 tháng, nếu chưa thấy thai cử động; hoặc thai máy quá nhiều (hơn 20 lần trong một giờ) thì rất có thể bé đang bị “stress” theo mẹ vì mẹ căng thẳng quá mức.

Những “bí mật” xoay quanh chuyện thai máy




“Bí mật”


“Giải mã”




Mấy tháng thì thai bắt đầu biết… đạp mẹ?


Thật ra thai được 8 tuần tuổi là đã bắt đầu có cử động như máy nhẹ, đạp mẹ. Tuy nhiên, những cử động này nhẹ và khối lượng thai quá nhỏ nên mẹ chưa thể cảm nhận. Thông thường mẹ bắt đầu thật sự cảm thấy những cử động của thai nhi khi bầu vào khoảng 3-4 tháng.




Cùng số tháng, sao bà bầu khác lại cảm nhận được thai máy nhiều hơn tôi?


Khả năng “cảm nhận” thai máy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như cùng số tháng mang thai, bà bầu mang thai con rạ (con thứ 2 hoặc 3) sẽ cảm nhận được dấu hiệu thai máy rõ rệt hơn nhiều so với bà bầu mang thai lần đầu (điều này chỉ là vấn đề “kinh nghiệm” chứ không liên quan gì đến chuyện thai của ai… khỏe hơn!). Ngoài ra, những thai phụ có thành bụng dày sẽ khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít cũng làm thay đổi khả năng cảm nhận.




Tò mò quá! Cảm giác “thai máy” đầu tiên thế nào nhỉ?


Những ai lần đầu mang thai đều ao ước tới ngày cảm nhận được sự “giao tiếp” đầu đời này của con. Cảm nhận về thai máy thường giống như tôm búng, cá quẫy, có cái gì “nhúc nhích” trong bụng. Về sau thai càng lớn, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt hơn cử động đạp, quẫy của bé.




Cảm nhận thai máy có ý nghĩa thế nào với “mẹ bầu”?


Đây là một dấu ấn rất đặc biệt, rất quan trọng với “mẹ bầu”. Từ những cái đạp nhè nhẹ đầu tiên của con trong bụng, người mẹ sẽ cảm nhận được rõ ràng mầm sống đang hiện hữu, gia tăng được những cảm xúc tích cực, có lợi cho việc mang thai.




Có phải thai máy nhiều vào buổi tối hoặc khi mẹ nằm nghỉ?


Thật ra thai có thể “máy” bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, khi nằm nghỉ vào buổi tối, không phải làm việc gì khác và chỉ tập trung cảm nhận cơ thể, mẹ sẽ có điều kiện nhận ra những cử động của thai nhi dễ dàng hơn các thời điểm khác trong ngày.




Phân biệt thai máy với cơn gò tử cung thế nào?


Ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, tùy mức độ còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng thôi bạn nhé.




Khi nào nên đến bác sĩ kiểm tra?


Khi mẹ nhận thấy thai không máy cùng các triệu chứng như nôn mửa, xuất huyết âm đạo hay có những cơn co thắt tử cung, bạn cần phải gặp ngay bác sĩ sản phụ khoa hay siêu âm để đánh giá hoạt động của tim thai.





Nếu bé ngừng đạp

Điều này chưa hẳn là quá đáng lo ngại. Vì đôi khi, bé thay đổi vị trí khiến các chuyển động sẽ khó nhận biết hơn. Hoặc cũng có thể lúc bạn thức thì bé ngủ và ngược lại. Tuy nhiên, nếu chuyện ngừng đạp xảy ra với thời gian cả ngày, khiến bạn lo âu thì hãy lập tức đến gặp bác sĩ để khám cụ thể. Vì linh cảm của người mẹ thường chính xác và mẹ luôn là người hiểu rõ các hoạt động của con mình nhất.

Khám phá cú… “đạp” của bé!

Bụng mẹ giống như “phòng tập” dành cho bé. Theo thời gian, suốt chín tháng mười ngày, những cú đạp của bé sẽ có ít nhiều thay đổi, như một tín hiệu báo cho mẹ biết từng giai đoạn bé trưởng thành.

Đếm cử động thai nhi

Sau tuần thứ 28, bạn nên dành thời gian 2 lần mỗi ngày để đếm cử động thai nhi. Trong lúc “thức”, tối thiểu thai sẽ cử động từ 3 đến 4 lần một giờ (tức là mẹ sẽ đếm được khoảng 10 cử động trong vòng 30 phút đến 2 giờ). Thấp hơn mức này, có thể thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khỏe. Ngược lại cử động quá nhiều (hơn 20 lần), có thể thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra. Trường hợp thấy thai cử động quá ít, bạn hãy ăn nhẹ và để ý tiếp trong giờ sau. Nếu số lượng cử động của thai vẫn ít, nên đến khám bác sĩ.

Đạp nhiều là thai khỏe?

Không hẳn! Nhiều mẹ hiểu nhầm rằng bé càng đạp nhiều càng khỏe mạnh hoặc bé phải chuyển động nhiều lần như thế trong ngày thì mới yên tâm. Tuy nhiên, thực tế một số trường hợp, bé đạp nhiều bất thường có thể do bị ngạt và thiếu oxy do bị dây rốn quấn cổ. Nếu không được phát hiện kịp thời, thai dễ bị chết lưu trong bụng. Do đó, khi thấy thai đạp quá ít hoặc quá nhiều so với những ngày bình thường trước đó, bạn đều nên đi khám sớm.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn