Thai kỳ là giai đoạn có rất nhiều thay đổi lạ kỳ đến nỗi khiến bạn trở nên bối rối và lo lắng, thậm chí có thể nghĩ mình có vấn đề. Nhưng bạn biết không, có những thắc mắc bạn nghĩ là độc quyền của mình thật ra lại cũng là tâm tư của rất nhiều người cùng cảnh bầu bì khác.







Vậy thì dù bạn ngại hỏi, các chuyên gia cũng sẽ giải đáp cho các bạn một thể 10 thắc mắc tế nhị thường gặp:

1. Liệu bạn có lỡ… ị khi sinh không, vì bạn phải rặn rất nhiều mà…

Các bác sỹ và nữ hộ sinh muốn bạn biết rằng việc này có thể xảy ra, nếu trong ruột của bạn đầy, vì trực tràng nằm bên dưới tử cung, khi rặn đẻ thì bạn cũng đồng thời tạo áp lực lên vùng này. Tuy vậy, hãy cố gắng nghĩ và nhớ rằng việc sinh nở của bạn không diễn ra nơi công cộng mà chỉ có một số ít người có chuyên môn tham dự vào, và họ sẽ giúp bạn xóa dấu vết một cách chuyên nghiệp trước khi bạn kịp biết. Chưa kể, lúc đó bạn có thể đau thấy trăng sao luôn và chẳng còn quan tâm đến chuyện mình có làm điều gì hơi đáng xấu hổ hay không nữa đâu.

2. Liệu “chỗ dưới đó” của bạn có bị giãn ra không?

Trả lời nhanh gọn là bạn đừng quá lo lắng. Âm đạo của phụ nữ được thiết kế với độ co giãn đặc biệt để điều tiết thích nghi với quá trình sinh nở sau đó thu lại dần về kích thước ban đầu. Và các chuyên gia khuyên chúng ta nên chủ động hỗ trợ quá trình tự nhiên này bằng cách thực hành các bài tập Kegel để tăng sức mạnh cho các cơ ở “dưới đó”, hãy tập khoảng 4-5 lần/ngày, mỗi lần 10 nhịp.

3. Liệu bạn có bị thừa cân so với quy định?

Cân nặng luôn là chủ đề tế nhị cấm kỵ đối với phụ nữ, bạn có thể ngại nói ra con số chính xác của mình (vì sợ bị đánh giá là mập, kể cả những người không hề mập) nhưng hãy đừng như thế. Hãy thành thật “khai báo” cân nặng của bạn để bác sỹ tính lộ trình tăng cân của bạn cho hợp lý nhất, hạn chế những vấn đề sức khỏe cũng như thẩm mỹ kéo dài về sau.

4. Liệu có phải là sau khi sinh con, bạn sẽ khó kiểm soát việc tiểu tiện hay không?

Thật sự, các chuyên gia nói rằng khả năng kiểm soát bàng quang của chúng ta bị suy giảm đi sau khi mang thai và sinh con, gần trước ngày dự sinh là giai đoạn khổ sở bất tiện nhất. Nhưng thường thì trong khoảng từ 6 tuần cho đến 3 tháng sau sinh thì tình trạng sẽ được cải thiện, các bài tập Kegel mà bạn đang thực hiện cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục này. Tuy nhiên nếu vấn đề không cải thiện thì bạn cần gặp bác sỹ để được trợ giúp.

5. Liệu trong khi mang thai có được quan hệ vợ chồng không, việc này có hại cho em bé không?

Sợ gây hại cho con là một trong những lý do phổ biến khiến các cặp vợ chồng ngại ngần chuyện yêu đương, nhưng sự thật là nếu bác sỹ nói thai kỳ của bạn khỏe mạnh, không bị bất kỳ biến chứng nào dẫn đến cần phải kiêng cữ, và các bạn muốn thì việc này là hoàn toàn lành mạnh.

6. Liệu rằng sẽ bị đau khi quan hệ sau sinh?

Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ bị đau, và theo các chuyên gia thì chuyện này chẳng có gì là khó hiểu cả, vì ca sinh nở của bạn gây ra những vết thương cần có thời gian để lành. Với những phụ nữ cho con bú, lượng hormone trong cơ thể còn chưa trở lại bình thường như trước khi mang thai nên có thể dẫn đến những vấn đề với sự bôi trơn, hãy thử dùng dầu bôi trơn cũng như cho cơ thể mình thời gian để thích ứng lại. Tuy nhiên, nếu đã vài tháng trôi qua và bạn không thấy có gì cải thiện, hãy đi khám.

7. Liệu rằng chuyện bị tiết dịch nhiều khi mang thai có bình thường?

Có đó bạn, theo các chuyên gia thì hormone trong cơ thể người phụ nữ mang thai rất chi khó lường, đó là chưa kể lượng máu dồn về vùng chậu tăng lên nữa. Vậy nên nhiều khả năng càng về cuối thai kỳ, bạn càng thấy tiết dịch nhiều hơn. Nhưng hãy để ý gọi bác sỹ nếu dịch tiết ra loãng, có mùi, hoặc khiến bạn ngứa ngáy, đau, rát – những dấu hiệu này có thể cho thấy bạn đã vỡ ối hoặc bị nhiễm trùng.

8. Liệu rằng chuyện bị đầy hơi, khó tiêu khi mang thai có là bình thường?

Sự thay đổi hormone khi mang thai làm giảm hiệu quả hoạt động của dạ dày – ruột non, khiến bạn có thể bị nôn nao, khó chịu, người sưng lên. Phần lớn phụ nữ bị những triệu chứng này vào đầu thai kỳ, sau đó có thể bị thêm khó tiêu, ợ nóng và chua, và đây cũng là điều bình thường nốt, tuy rằng khó chịu.

9. Liệu có cách nào làm dịu những vấn đề tiêu hóa?

Để phòng ngừa và giảm cảm giác khó chịu do tình trạng táo bón, bạn hãy nhớ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước, và nếu cần, hãy đừng ngại đến bác sỹ để được giúp đỡ sớm. Với tình trạng ợ nóng, bạn hãy thử chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều lần hơn trong ngày, khi ngủ thì nâng cao đầu hơn, bạn cũng hãy tránh thức ăn nhiều tính acid hoặc nhiều gia vị. Và trong mọi trường hợp, nếu các biện pháp đơn giản không có hiệu quả, hãy đi khám nhé!

10. Liệu có thể nào tôi chuyển dạ khi đang ngủ và không biết gì?

Có nhiều phụ nữ không nhận ra khi mình vỡ ối, vì việc này có thể xảy ra như thác lũ nhưng cũng có thể chỉ ri rỉ ra một chút giống như són tiểu; bạn có thể gọi bác sỹ để giúp xác nhận. Chuyện bạn bỏ qua mất giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ là có thể xảy ra, nhưng sau đó, khi những cơn co thắt ngày càng dữ dội thì chắc chắn bạn sẽ biết nên không cần quá lo lắng bạn có thể vô ý đẻ rớt con.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn