Có rất nhiều điều thay đổi ở bạn sau khi có con, cả về thể chất, tình cảm, nhận thức… Có những điều mà trước khi trở thành một người mẹ, bạn không thể nào tưởng tượng được đó sẽ trở thành vấn đề mà mình hết sức quan tâm, như phân của con chẳng hạn. Và với những điều quan tâm mới mẻ đó, bạn đặt ra cho mình những câu hỏi bình thường một cách kỳ quái như:






Bạn luôn tự hỏi, “Điều mình đang làm có tốt cho con? Mình có đang làm hư con hay đang khiến con buồn hay không?”

Thậm chí khi thấy vết gì đó khả nghi dính trên sàn nhà, hoặc trên ghế, hoặc ở một chỗ nào khác mà con có thể tiếp cận, bạn tự hỏi mình, “Đó là vết sô-cô-la hay là… phân của con đó?”

Hoặc vốn là một người phụ nữ thanh lịch chỉn chu, sau khi có con, có thể sẽ có những lúc bạn xấu hổ nhìn xung quanh và tự nhủ, “Không biết có ai nhận ra là mình đang mang mỗi chân một chiếc tất/ dép/ giày khác nhau không nhỉ?”

Người bình thường chẳng ai bảo tương cà là rau cả, nhưng với tình hình là con chẳng chịu ăn nhiều rau như khẩu phần mà các chuyên gia thường khuyên, cộng với việc bé rất mê tương cà, bạn tự hỏi lòng mình, “Có lẽ tương cà cũng được tính là rau chứ nhỉ?”

Và bạn cũng tự hỏi, hay đúng hơn là tự khẳng định với mình rằng, “Việc vật lộn mặc quần áo cho trẻ con cũng nên được tính là một dạng bài tập cardio chứ?”

Cùng lúc đó, bạn cũng tò mò, “Nếu mình không tạo ra tiếng động thì con sẽ không bắt được mình đâu, phải không nào?”

Những lúc mệt quá và trốn con ở trong buồng tắm hoặc ở sau tấm rèm hoặc ở sau cánh cửa… bạn giật mình chợt nghĩ, “Không biết mẹ mình ngày xưa có làm như thế này (với mình)?”

Khi bọn quỷ con lớn hơn chút nữa và bắt đầu biết điều chỉnh cảm xúc để đạt được những thứ mình muốn, vì bị mắc lừa nhiều rồi nên bạn trở nên đề cao cảnh giác, không biết: “Liệu con đang ngoan thật hay đang muốn bày trò gì với mình đây?”

Đôi khi vì con quá kén ăn và bạn thì quá mệt, bạn muốn hỏi rằng, “Liệu một đứa trẻ có thể vẫn khỏe mạnh, tươi vui chỉ cần có cơm, không cần đồ ăn không?”

Khi con bắt đầu biết nói, bạn lại đặt ra một câu hỏi mới mang tầm nhân loại, “Liệu người ta có thể bị nổ não hay thủng tai vì nghe trẻ con nói quá nhiều không?”

Hoặc, “Không biết liệu có ai chết vì thiếu ngủ bao giờ không nhỉ?”

Nhiều khi bạn mệt đến nỗi, ừm, trong đầu thốt lên câu hỏi, “Nếu tối nay không tẩy trang thì mai sẽ đỡ công trang điểm lại phải không?”

Và bạn nhìn sang “lão chồng” đang khò khò bên cạnh và tự hỏi, “Liệu có phải cái con người này đang thật sự ngủ rất ngon không hay là đang giả vờ rất giỏi để đùn đẩy nhiệm vụ trông và dỗ con cho mình?”

Bạn luôn muốn được cùng con làm nhiều thứ; ngược lại, con cũng vậy, con rất thích và luôn đòi được “phụ giúp” mẹ, khiến thỉnh thoảng bạn tự hỏi, “Liệu mình có đủ kiên nhẫn để chờ con ‘phụ giúp’ hay không, khi mà bé làm theo cách bày bừa thêm ra là chính như thế này?”

“Tiếng hét thất thanh đến cỡ nào thì có thể làm bể kính?” Đây là điều mà bạn mới chỉ thấy trên phim ảnh thôi nên thật khó hình dung, nhưng bạn nghĩ chỉ hơn tiếng hét của con một chút xíu xiu là cùng. Thật kinh khủng!

Người ta nói có con rồi mới hiểu lòng cha mẹ, bạn giờ đây mới thấm thía nỗi lòng của mẹ mình trước kia, nhưng bạn cũng tự cố gắng tự nhớ lại, “Liệu ngày xưa mẹ có phải thốt lên những lời y như mình bây giờ?”

Tóm lại, thật sự thì, “Tôi là ai, và tôi đang ở đâu đây?”

Đến khi con đi học và bạn trở thành người có nhiệm vụ kiểm tra, giúp đỡ con làm bài tập về nhà, một lần nữa trong lòng bạn len lỏi nỗi nghi ngờ, “Ngày xưa mình học hành ra sao mà tốt nghiệp được bao nhiêu cấp lớp, trong khi bây giờ nhìn Toán tiểu học lại chẳng hiểu gì?”

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn