Có thể bạn đã từng đọc qua, từng nghe nhiều người nói loáng thoáng về thai giáo rồi. Nhưng vẫn còn nhiều bí mật thú vị mà bạn chưa biết về phương pháp này. Xem nhé!







1. Bé hiểu cảm xúc của mẹ rõ rệt hơn bạn tưởng

Không cần phải “nhìn mặt” mẹ, bé mới biết bạn đang tức giận. Với những mẹ hay giấu cảm xúc vào trong lòng, bề ngoài thì cười nói bình thường nhưng trong “bụng” thì tức giận, chán chường, mệt mỏi, bạn có thể “qua mặt” rất nhiều người khác (kể cả chồng) nhưng lại không thể “qua mặt” đứa con trong bụng. Bé hiểu tất cả mọi cảm xúc sâu kín nhất, kể cả khi bạn khéo giấu nhất.

Bằng cách nào? Dây rốn lưu chuyển cảm xúc từ mẹ đến bé. Chẳng hạn, sự tức giận tạo ra chất andrenalin; Nỗi sợ hãi tạo ra chất cholamine; Niềm hạnh phúc tạo ra chất endorphin. Các chất hóa học này chuyển qua nhau thai vào đến em bé trong bụng trong vòng vài giây sau đó và bé cảm nhận được ngay. Điều này lý giải tại sao, người mẹ khi mang thai vui vẻ, hoạt bát, phấn chấn “từ bên trong” (chứ không phải giả tạo bên ngoài) thì sẽ truyền cho con mọi cảm xúc tích cực. Đứa trẻ sau này sinh ra cũng sẽ quen thuộc với sự vui vẻ, phấn chấn, bao dung, dễ cảm thông…

2. Thai giáo chỉ thật sự hiệu quả khi bạn kiên trì

Bé không thể “hiểu” được nếu hôm nay bạn chọn cách này, ngày mai đã đổi sang cách khác. Để thai giáo có kết quả, bạn nên thực hiện các động tác tương tự nhau, đơn giản, đúng giờ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Ví dụ đến đúng 8h tối mỗi ngày, từ tháng thứ 6 trở đi bạn đều nghe một bản nhạc âm điệu vui nhộn mà bạn thích, bé sẽ biết cách để “đợi” đúng giờ này để đạp bụng mẹ, thể hiện bé “biết”. Khi con chào đời, những lúc bé khóc, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu mẹ mở đúng bản nhạc bé từng nghe rất nhiều lần lúc còn trong bụng mẹ lên, bé có xu hướng nín khóc nhanh hơn, êm dịu hơn, ngủ ngon hơn…

Việc trò chuyện cùng con cũng thế. Nếu đúng 7h sáng mỗi ngày, bạn đều dành chút thời gian nói những điều vui vẻ, lạc quan với bé, bảo cho con biết rằng mẹ con mình đến giờ “đi làm nào!”, thì bé sẽ phản ứng tốt vào khoảng thời gian đó.

3. Bạn stress thì bé sẽ stress theo!

Điều này nhấn mạnh thêm lần nữa chuyện bé hiểu cảm xúc của bạn hơn ai hết. Sở dĩ tách nó ra riêng thành một “bí mật”, bởi lẽ nó rất quan trọng cho bạn. Nhiều bà mẹ tham công tiếc việc, suốt giai đoạn bầu bì vẫn làm việc rất nhiều, căng thẳng rất nhiều, stress triền miên.

Điều này hoàn toàn không tốt cho quá trình thai giáo, không tốt cho sức khỏe của bạn và không tốt cho thai nhi. Khi bạn stress liên tục, rất dễ có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, có nhiều biến chứng thai nghén khác.

Hãy luôn ghi nhớ: Việc “thai giáo” đầu tiên và quan trọng nhất là dạy con luôn lạc quan, tích cực, không stress và yêu cuộc sống này. Cách để bạn thực hiện điều đó không quá khó. Bạn nên dành thời gian ngồi thiền, đi dạo, hít thở không khí trong lành, giảm lượng công việc xuống mức tối đa có thể (đừng quên bạn chỉ sinh con trong 1 năm thôi, nhưng có cả trên 40 năm để làm việc!).

Khi gặp những chuyện mệt mỏi, chán nản, buồn bã, nên có người để giải tỏa chứ đừng giữ trong lòng. Tập cho mình thói quen nhìn mọi sự bằng góc độ tươi vui, tích cực hơn.

4. Không nên “thất vọng” về con

Có thể bạn đang mong chờ một bé trai nhưng kết quả bác sĩ thông báo lại là bé gái. Có thể bạn đang trong giai đoạn thăng tiến rất tốt đẹp thì đùng một cái, mọi việc bị trì hoãn do bạn “vỡ kế hoạch”. Những trạng thái tâm lý “thất vọng” này sẽ được bé tiếp nhận và “hiểu” từ trong bụng mẹ theo cách của bé.

Không phải vô cớ khi các thai phụ nuôi trạng thái thất vọng về con có tỷ lệ sảy thai hoặc sinh non cao hơn. Bé sinh ra cũng thường nhẹ cân và hay quấy khóc một cách bất an hơn. Bé như vậy có một phần rất lớn chính là vì “hiểu” cảm xúc của mẹ. Nếu bạn biết được “bí mật” này, hẳn bạn sẽ biết mình nên làm gì.

Cho dù bạn mong hay không mong, bạn vui hay bạn không vui về giới tính của con, về sự hiện hữu của con thì đều cần hiểu rằng mình đã trở thành một người mẹ. Mọi cảm xúc của mình đều tác động đến con. Thai giáo không phải là dạy những điều cao siêu mà là dạy bé hiểu những “cảm xúc” đầu tiên này. Đứa trẻ cần được mẹ truyền cho cảm giác háo hức với cuộc sống, hạnh phúc và lớn lên bình an trong bụng mẹ mỗi ngày.

5. Bé có thể cảm nhận ánh sáng

Đúng vậy! Từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, bé đã trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Bạn có thể giúp con “yêu đời – yêu ngày” bằng những cách thật đơn giản như đi bộ, nằm phơi năng trên ghế thư giãn vào khoảng 7 giờ sáng mỗi ngày, khoảng 15-20 phút. Bé sẽ được “luyện” cử động mắt và được tập cho biết quay về phía có ánh sáng từ khi trong bụng mẹ.

6. Bé được chơi cùng mẹ sau này sẽ dạn dĩ, linh hoạt hơn!

Cách chơi đùa rất đơn giản, sau mỗi lần bé đạp, bạn dùng ngón tay vỗ nhẹ vào bụng một chút và chờ bé đạp tiếp. Dần dần bé sẽ quen với trò chơi này, bạn vỗ nhẹ vào chỗ nào, bé sẽ biết cách đạp vào chỗ ấy. Những em bé được mẹ tập cho “chơi đùa” từ nhỏ có xu hướng tự tin và dạn dĩ hơn, linh hoạt hơn, “hiểu” được mẹ dễ dàng hơn.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, não bộ của bé đã có một quá trình phát triển liên tục và vượt trội. Vì vậy, việc mẹ giúp bé tập phản xạ, cảm nhận cuộc sống là rất tốt.

Bạn ghi nhớ thêm một chi tiết nhỏ nữa là: Cảm xúc của người mẹ mới là điều quan trọng nhất trong thai giáo chứ không phải việc cố bắt con “nghe” nhiều những thứ mà cha mẹ cho là tốt.
Mẹ cần biết

Những bé sinh ra trong tình trạng người mẹ quá lo lắng, buồn phiền hoặc quá bực tức, căm giận, khóc lóc thường xuyên, uất ức thường xuyên, trầm cảm nặng nề trong giai đoạn mang thai… thường bị nhẹ cân, trí lực kém, không phát triển tốt, sứt môi, hở hàm ếch, và dễ có tâm lý bất ổn, dễ trầm cảm sau này.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn