Khi bị thiếu ngủ, mệt mỏi, cáu kỉnh do hàng loạt trách nhiệm phát sinh liên quan đến đứa con mới chào đời, việc vợ chồng bạn gây chuyện cãi nhau như cơm bữa là điều hoàn toàn dễ xảy ra. Dưới đây là năm nguyên nhân dễ làm các cặp bố mẹ trẻ nỗi giận nhất, và đi cùng với đó là những cách được gợi ý để giữ gìn hòa khí vợ chồng.







1. “Anh dậy trông con được không? Em mệt quá rồi!”

Sau khi con được sinh ra, giấc ngủ của bố mẹ đột nhiên trở thành thứ để chia sẻ, thay phiên, là thứ được dùng để thương lượng với nhau và có thể là một cú sốc đánh vào mối quan hệ vợ chồng tưởng là vững chãi. Một người mẹ chia sẻ, “Tôi không thể không nhạy cảm về chuyện mình được ‘sở hữu’ bao nhiêu giờ ngủ. Chuyện ai đáng được ngủ nhiều hơn đã khiến vợ chồng tôi cãi nhau khá nhiều.”

Cách giữ hòa khí:

Hãy cố tránh cuộc chiến tranh giành “em mệt mỏi hơn anh”. Theo các chuyên gia, khó mà quả quyết được ai là người mệt mỏi hơn. Thực tế là sau khi con sinh ra, cả bố và mẹ đều mệt hơn trước nhiều, và cả hai đều cần được giúp đỡ. Hãy nhận sự giúp đỡ này từ phía gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc cân nhắc thuê người giữ em bé hoặc phụ giúp việc trong nhà.

Bạn đừng xấu hổ hay cảm thấy mình yếu kém do không chu toàn được mọi việc như trước, thật sự trong giai đoạn này các bạn cần được ngủ nghỉ, đó là một việc làm trách nhiệm, vì lợi ích chung của chính gia đình bạn.

Để tránh cãi vã về việc đến lượt ai phải dậy, hãy chia ca. Ví dụ, các bạn có thể thay phiên nhau có một ngày cuối tuần được ngủ thêm, hoặc nếu con bú bình thì mỗi người sẽ nhận trách nhiệm xen kẽ từng đêm. Nếu một trong hai người đi làm còn người kia ở nhà với con, có thể sắp xếp để người đi làm được ngủ nhiều hơn trong tuần nhưng sẽ bù lại vào cuối tuần để người ở nhà có thể ngủ muộn hơn, lâu hơn, hoặc được nghỉ ngơi thêm vào giữa ngày.

Hãy nhớ rằng tình trạng thiếu ngủ có thể khiến người ta dễ căng thẳng, dễ nổi cáu và dễ cãi nhau. Một vài tiếng ngủ thêm có thể đem lại khác biệt đáng kể và đáng ngạc nhiên cho tâm trạng của cả hai bố mẹ và khiến cho bầu không khí trong nhà khác nhiều. Bạn có muốn thử chăng?

2. “Đây, con muốn em đây này.”

Bất kể là bố hay là mẹ, nếu bị vợ/ chồng mình nói như vậy và vội vàng giao ngay con lại sau mới chỉ ít phút người này giữ bé, thì việc phải kiềm chế để không gào lên là không có gì khó hiểu cả. “Ngay khi con tôi cần gì đó hay bắt đầu khóc là chồng tôi đẩy ngay bé sang cho tôi,” một người mẹ chia sẻ. “Anh ta chỉ dành thời gian với con khi mà bé vui vẻ khỏe khoắn mà thôi.”

Cách giữ hòa khí:

Hãy tự nhủ rằng không hẳn là người kia đang tìm cách trốn trách trách nhiệm đâu. Như một người bố giải thích hành động của mình, “Tôi muốn dỗ con chứ, nhưng mà khó quá, bé cứ thét lên như tôi là kẻ xấu vậy.”

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất để giảm bớt việc bé thường xuyên khóc thét lên đòi mẹ đó là hai vợ chồng hãy cùng nhau tạo những thói quen sinh hoạt tốt cho con và phân chia rõ trách nhiệm chăm sóc bé. Chẳng hạn có thể giao khoán luôn cho bố việc tắm cho con, người bố vụng về sẽ biết mình phải làm gì cho con, còn con cũng sẽ quen với việc này và chấp nhận như một lẽ tự nhiên.

Việc “chuyển giao” con cũng cần được luyện tập theo quy trình. Nếu bạn trông thấy chồng mình đang lơ ngơ ở cửa phòng nên đẩy ngay con sang cho bố nó, khả năng thất bại là không nhỏ đâu, vì đột ngột quá mà. Thay vào đó, hãy cùng nhau dành thời gian như một gia đình, sau đó bình tĩnh rời đi; nếu bạn làm việc này một cách nhất quán, con bạn sẽ hiểu và chấp nhận, từ đó bớt phản kháng.

Nhiều người bố nhận thấy rằng việc bế, địu con sát bên người mình có thể làm giảm việc bé làm giặc làm giã đòi mẹ. Nhưng cũng có những lúc mà bé con cứ ngằn ngặt khóc bất kể nỗ lực dỗ dành của bố. Lúc này mẹ phải xuất hiện và ra tay thôi, nhưng hãy khuyến khích bố cùng ở bên để xem cách mẹ giải quyết vấn đề, để hiểu hơn tính khí của con và cũng để con chấp nhận bố cũng là một người sẽ yêu thương và dỗ dành bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn