Kết quả 2 vạch trên que thử thai là niềm vui vô bờ đối với những cặp vợ chồng đang mong con. Nhưng niềm vui ấy có thể bị chấm dứt đột ngột với lý do: sảy thai. Thậm chí có một số người không chỉ phải chịu nỗi đau đớn này một mà nhiều lần liên tiếp.







Thực tế, chuyện sảy thai không phải hiếm xảy ra, thậm chí có con số thống kê cho biết có quá nửa số thai kỳ không thể khai hoa nở nhụy – phần nhiều tự chấm dứt trước khoảng thời gian diễn ra kỳ kinh tiếp theo nên người mẹ có thể không nhận ra điều đau lòng này. Tuy nhiên, chuyện sảy thai tái diễn ít gặp hơn nhiều, chỉ xảy ra với khoảng 1% phụ nữ; trong số này, có đến 50% trường hợp các chuyên gia chưa thể xác định được nguyên nhân.

Trong những trường hợp còn lại, nguyên nhân xác định được có thể là:

Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân thường gặp nhất – 60% trường hợp sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên diễn ra vì điều này, và bất thường nhiễm sắc thể thường diễn ra hơn ở những người trên 35 tuổi.

Bất thường về gene có thể là trường hợp cặp vợ chồng có những gen dị hợp tử khi kết hợp lại gây bất thường nặng cho thai nhi và gây sảy thai. Bất đồng nhóm máu mẹ và con cũng là nguyên nhân thường gặp, do bất đồng có thể dẫn đến tình trạng miễn dịch tự chống lại yếu tố Rh trong máu của con, và gây sảy thai.

Mất cân bằng hormone: Progesterone là loại hormone cần có để nuôi dưỡng thai sau khi bào thai đã bám vào thành tử cung của mẹ. Và sự thiếu hụt này có thể do nguyên nhân về gene, hoặc do những vấn đề sức khỏe nhất định.

Chứng huyết khối, hay đông máu bất thường cũng là một trong số những lý do phổ biến dẫn đến sảy thai tái diễn, và có thể gây sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai. Các cục máu đông hình thành cắt đứt đường lưu thông máu cung cấp cho thai nhi, ngoài ra cũng có thể gây nên nhiều vấn đề khác trong thai kỳ.

Những người có bất thường với tuyến giáp, chẳng hạn như suy giảm hoạt động tuyến giáp hoặc tăng năng tuyến giáp đều có thể gặp nguy cơ sảy thai. Tuyến giáp có tác dụng quản lý, kiểm soát một số loại hormone có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai kỳ.

Tiểu đường và tiểu đường thai kỳ cũng là yếu tố nguy cơ, ngoài ra còn có thể do các bệnh huyết áp, bệnh tim, bệnh phổi, nhiễm trùng mạn tính…

Tác động của môi trường: Một số loại thuốc, chất cồn, chất caffeine, thuốc lá, các tia xạ… có thể gây hại cho thai nhi và được liệt vào diện tình nghi số 1 gây sảy thai.

Dị dạng tử cung hoặc có những bất thường trong cơ quan sinh sản – do bẩm sinh, do bị bệnh hoặc từng bị bệnh đòi hỏi sự can thiệp, hoặc từng nạo phá thai nhiều lần.

Ngoài ra, việc mẹ thiếu acid folic cũng có thể gây sảy thai liên tiếp hoặc nếu không thì khiến thai nhi bị dị tật.

Có thể làm gì để phòng ngừa sảy thai tái diễn?

Những phụ nữ đã bị sảy thai nhiều hơn 2-3 lần nên đi khám và nhận sự tự vấn từ chuyên viên sinh sản. Các xét nghiệm cần được thực hiện trong thai kỳ, bao gồm cả những xét nghiệm máu để xác định những nguyên nhân có thể gây ra điều này, và có cách can thiệp phù hợp. Chẳng hạn như nếu phát hiện bất đồng nhóm máu mẹ con, người mẹ cần được tiêm anti D; nếu mẹ có bệnh tự miễn thì cần dùng thuốc ức chế miễn dịch; nếu mắc các bệnh mạn tính thì cần điều trị trước khi mang thai. Ngoài ra, mọi phụ nữ hãy luôn lưu ý để bổ sung acid folic cho cơ thể mình từ trước khi có thai để giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy đến cho cả bản thân và đứa con tương lai.

Cuối cùng và không kém phần quan trọng, hãy đừng bao giờ quên theo đuổi một và duy trì một chế độ ăn cân bằng, những thói quen sống lành mạnh nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn