Chế độ dinh dưỡng tốt là đặc biệt quan trọng khi bạn bị tiểu đường thai kỳ. Bệnh tiểu đường xuất hiện khi cơ thể không thể sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả - insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản sinh giúp các tế bào chuyển hóa đường trong máu (glucose) thành năng lượng cho cơ thể.






Khi một lượng lớn glucose tích tụ trong máu của bạn cũng đồng nghĩa với các tế bào không nhận được đủ nhiên liệu cần thiết. Không chỉ gây hại cho bạn mà lượng đường trong máu cao còn có thể gây hại cho em bé trong bụng bạn nữa, vì vậy việc cố gắng kiểm soát nó là rất quan trọng.

Có một cách để giữ cho lượng đường trong máu ổn định là tuân thủ theo một chế độ ăn đặc biệt, bạn nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được giúp đỡ lập một chế độ ăn phù hợp nhất cho mình, dựa trên chiều cao, cân nặng, hoạt động thể chất, nhu cầu thai nhi đang lớn, mức độ không dung nạp đường (glucose) của bạn, cũng như cả sở thích ăn uống riêng của bạn nữa.

Lưu ý: Nếu việc thay đổi chế độ ăn uống vẫn không đảm bảo lượng đường trong máu của bạn ở phạm vi cho phép, bạn sẽ cần bổ sung insulin. Nếu được bác sĩ chuyên khoa kê đơn tiêm insulin, bạn phải gặp lại chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn.

Đầu tiên, chuyên gia dinh dưỡng xác định bạn cần bao nhiêu calo mỗi ngày; sau đó hướng dẫn bạn cách xác định khẩu phần ăn và cách cân bằng các bữa ăn với lượng protein, carbonhydrate, chất béo phù hợp. Chuyên gia này cũng sẽ đánh giá thói quen ăn uống hiện tại của bạn để chắc chắn rằng bạn nhận đủ vitamin và khoáng chất.

Dưới đây là tổng hợp một số chỉ dẫn về chuyện ăn uống:

Ăn theo chế độ ăn đa dạng thực phẩm, phân chia đều lượng calo và carbohydrates tiếp nhận trong ngày. Hãy chắc chắn cân bằng cả những bữa ăn chính lẫn phụ. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo bạn ăn ba bữa chính không quá no (chỉ từ mức nhỏ đến mức trung bình) và 2-4 bữa phụ mỗi ngày, bao gồm cả một bữa ăn vặt sau bữa tối.

Bữa ăn của bạn nên có ít carbohydrate hơn so với bình thường hay ăn, và tốt nhất là sử dụng complex carb (dạng tinh bột có lượng đường thấp, lượng xơ cao, có trong gạo lứt, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám...), phân bố đều trong các bữa ăn trong ngày. Bữa ăn nào cũng nên có protein nạc và carbohydrates. Protein giúp bạn cảm thấy no hơn, duy trì năng lượng, và giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Đừng bỏ bữa. Hãy cố gắng tuân thủ chuyện khi nào thì ăn và ăn lượng thực phẩm như thế nào. Lượng đường trong máu sẽ ổn định hơn nếu thức ăn nạp vào cơ thể được rải đều ra trong ngày và đều đặn từ ngày này sang ngày khác.

Ăn sáng lành mạnh. Lượng đường glucose trong máu của chúng ta thường không ổn định vào buổi sáng. Và để ổn định nó, bạn phải hạn chế carbohydrate (có trong bánh mì, ngũ cốc, trái cây, và sữa), tăng protein (có trong trứng, phô mai, bơ đậu phộng, các loại hạt), tránh ăn trái cây và uống nước trái cây cùng một lúc.

Nên bổ sung các loại thực phẩm nhiều chất xơ vào chế độ ăn của mình (từ rau quả tươi, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu khô… Những loại thực phẩm này thường được tiêu hóa và hấp thu chậm hơn so với khi bạn dùng simple carb (loại tinh bột có lượng đường cao, lượng xơ thấp, chuyển hóa nhanh), do đó có thể giúp giữ lượng đường trong máu của bạn không quá cao sau bữa ăn.

Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn trong khẩu phần ăn của mình các loại thực phẩm và đồ uống có chứa đường như soda, nước ngọt, nước trái cây và hầu hết các món tráng miệng... vì chúng có thể tăng lượng đường trong máu của bạn. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các cách thay thế đường trong món ăn, nếu như bạn thèm vị ngọt ngào.

Sữa rất giàu lactose - một loại đường đơn giản, hấp thụ nhanh - nên bạn cần giới hạn và tìm cách bổ sung canxi cho cơ thể từ nguồn khác.

Tăng dần tần suất hoạt động cũng là một cách tốt để giữ nồng độ đường trong máu của bạn ở mức bình thường. Bạn hãy trao đổi với bác sỹ để xác định được mức độ vận động thích hợp với mình nhé.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn