Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai không phải là dài, nhưng cũng chẳng thể gọi là ngắn được, nhất là với những người bố, người mẹ mỗi ngày đều đếm ngược sốt ruột chờ con ra đời. Mình sắp chuyển dạ chưa, mình sắp sinh con chưa? 10 dấu hiệu dưới đây sẽ giúp các mẹ tự mình trả lời những câu hỏi đó!






Từ 1-4 tuần trước khi chuyển dạ

Bụng bầu tụt xuống. Khoảng vài tuần trước khi cơn chuyển dạ thật sự đến, con bạn sẽ bắt đầu xuống khung chậu của mẹ, dần vào đúng vị trí để chào đời (ấy là trong trường hợp bạn mang thai lần đầu, còn trong tương lai, việc này thường sẽ không xảy ra cho đến khi giai đoạn chuyển dạ thật sự bắt đầu). Bạn có thể cảm thấy dáng đi của mình lạch bạch hơn so với trước, và bạn cũng có thể phải đi vệ sinh nhiều hơn, giống như hồi tam cá nguyệt đầu tiên bởi vì đầu của con đang tạo áp lực lên bàng quang. Nhưng tin tốt là giờ bạn đã dễ thở hơn vì áp lực lên phổi đã không còn.

Cổ tử cung cũng chuẩn bị cho ngày trọng đại bằng cách bắt đầu mỏng đi và mở dần, vào khoảng vài ngày hoặc vài tuần trước khi chuyển dạ. Việc này diễn ra với tốc độ khác nhau ở mỗi người nên đừng chán nản nếu như cổ tử cung của bạn mở chậm (hoặc thậm chí là chưa mở) so với các chị em khác gần ngày dự sinh với mình.

Bạn bị chuột rút nhiều hơn, đau lưng hơn, đặc biệt nếu đây không phải là thai kỳ đầu tiên của bạn. Các cơ và khớp của bạn đang giãn ra và sắp xếp lại để chuẩn bị cho việc sinh nở đó mà.

Khớp của bạn cảm giác lỏng lẻo hơn. Trong suốt thai kỳ, hormone relaxin đã khiến cho tất cả dây chằng của bạn mềm đi và lỏng hơn (là lý do khiến bạn vụng về hơn đó), và trước khi chuyển dạ bạn có thể nhận thấy các khớp khắp người mình còn lỏng lẻo hơn nữa. Hãy bình tĩnh, vì đây là việc tự nhiên, cần thiết để khung chậu của bạn mở ra đủ cho con ra đời.

Bạn bị tiêu chảy. Cũng giống như việc các cơ tử cung đang thả lỏng ra để chuẩn bị cho việc sinh nở, các cơ ở những nơi khác trong cơ thể cũng vậy – bao gồm cả ở ruột, dẫn đến tình huống hơi khó kiểm soát này. Dù phiền nhưng hãy bình tĩnh vì việc này là bình thường, bạn hãy bảo đảm uống nước bù, tránh để cơ thể mình bị thiếu nước nhé.

Bạn ngừng tăng cân (hoặc giảm đi đôi chút). Dù chỉ ngừng thôi hay thậm chí giảm đi thì đây cũng là việc bình thường vào cuối thai kỳ và không ảnh hưởng gì đến cân nặng của bé con trong bụng bạn cả. Bạn đang giảm cân do lượng dịch ối giảm đi, bạn đi vệ sinh nhiều hơn, và cả việc hoạt động nhiều hơn nữa.

Bạn cảm thấy đặc biệt mệt mỏi, luôn cần nghỉ ngơi. Tam cá nguyệt cuối cùng của bạn thật có phần giống như tam cá nguyệt đầu tiên. Chiếc bụng ngoại cỡ cùng bàng quang bị chèn ép khiến bạn ngày càng khó ngủ cho ngon – hãy dùng nhiều gối và chợp mắt nhiều lần trong ngày nếu bạn có thể.

Nhưng cũng có tình huống ngược lại, một số mẹ bầu khi đến gần ngày sinh lại tràn đầy năng lượng, luôn tay luôn chân muốn sắp xếp và dọn dẹp các thứ trong tầm mắt của mình – bản năng làm ổ của bạn đang trỗi dậy đó mà, không sao đâu, chỉ cần bạn biết chọn việc phù hợp và lưu ý đừng làm quá sức.

Giai đoạn đầu chuyển dạ

Dịch âm đạo thay đổi về màu và độ đặc, theo hướng nhiều và/hoặc đặc hơn. Bạn cũng có thể nhận thấy nút nhầy tử cung đang lỏng dần đi và trôi ra thành tảng lớn – trông giống như dịch nhầy mũi nhưng có lẫn chút máu, hoặc thành nhiều cục nhỏ và bạn có thể không nhận thấy nếu bình thường có thói quen xong – xả – rồi ra ngay.

Bạn cảm nhận thấy những cơn co thắt ngày càng thường xuyên và mạnh hơn. Trước đây bạn đã từng cảm nhận những cơn gò Braxton-Hicks mang tính chất tập dợt, vậy làm sao để phân biệt những cơn gò giả đó với những cơn co thắt thật này? Dưới đây là những dấu hiệu báo động thật:

Khi bạn hoạt động, những cơn co thắt càng mạnh hơn so với khi nghỉ ngơi;
Khi bạn thay đổi tư thế, các cơn co thắt không biến mất;
Những cơn đau do co thắt bắt đầu ở lưng dưới, sau đó lan ra bụng dưới, và có thể cả ở dưới chân;
Các cơn co thắt ngày càng thường xuyên và gây đau hơn.

Vỡ ối là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất và sau cùng báo hiệu sự chuyển dạ, nhưng cũng có những người chuyển dạ mà không hề vỡ ối nên đừng phụ thuộc, coi đây là dấu hiệu nhận biết duy nhất

Kể cả nếu bạn đã đọc hết những thông tin trên đây rồi mà vẫn còn cảm thấy bối rối không biết mình đã đến lúc hay chưa thì cũng đừng quá căng thẳng, từ giờ hãy thường xuyên liên lạc với bác sỹ của bạn để nhờ họ kiểm tra.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn