Một số mẹ bầu đã có sữa non từ tuần thứ 28 của thai kỳ. Với cách nhận định sữa non là nguồn dinh dưỡng quý giá dành cho trẻ sơ sinh bởi tác dụng của chúng trong việc giúp trẻ hình thành hệ miễn dịch, nhiều mẹ bầu đã vắt sữa non từ sớm để dành cho trẻ.






Thế nhưng, vắt sữa non không đúng cách có thể khiến mẹ sinh non, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Muôn kiểu vắt sữa non

Thường các mẹ bầu sẽ vắt sữa non vào khoảng tuần 32 đến 34 trong thai kỳ. Các mẹ thường vắt sữa bằng ống xi lanh hoặc túi tiệc trùng và trữ sữa trong tủ đá để bảo quản.




Sữa non sau khi vắt được mẹ bầu trữ trong túi tiệt trùng giữ trong ngăn đá.​
Nhiều diễn đàn trên mạng cũng chia sẻ về cách vắt và bảo quản sữa non sớm, đồng thời chia sẻ những bài viết về việc trẻ thiếu sữa non sau sinh phải uống sữa công thức và các tác hại của nó, khiến nhiều mẹ lo lắng, tin và thực hành theo.

Thật ra, việc hút sữa non ban đầu chủ yếu được hướng dẫn cho các mẹ bầu bị bệnh đái tháo đường type I và II hay bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là các bé được sinh từ các mẹ bị mắc chứng bệnh này cần được bổ sung một lượng lớn sữa non nhiều hơn bình thường để chống lại nguy cơ hạ đường huyết rất dễ xảy ra. Lượng sữa non được bổ sung ngay khi sinh ra giúp các bé này ổn định được đường huyết và sức khỏe.

Ngoài bệnh tiểu đường, nếu mẹ bầu bị mắc một số các bệnh khác như: thai nhi được chẩn đoán bị dị tật hở hàm ếch, thai nhi có bệnh tim hay bệnh thần kinh, trong gia đình mẹ có tiền sử bị dị ứng với thành phần dinh dưỡng có trong sữa công thức hay mẹ được chẩn đoán có nguy cơ thiếu sữa.

Do đó, nếu mẹ bầu khỏe mạnh, bình thường thì việc vắt sữa non là không cần thiết vì nó mang đến nguy cơ sinh non và những ảnh hưởng về sức khỏe khác.

Nguy cơ sinh non cao khi vắt sữa non

Khi mẹ mang thai bầu ngực trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là núm vú lại càng dễ kích thích. Sự kích thích ở ngực mẹ có thể gây ra những cơn co thắt tử cung mạnh khiến cho mẹ bầu sinh non. Đó là lý do mà y bác sĩ thường khuyên mẹ bầu không nên chà xát mạnh phần ngực trong khi tắm cũng như khi giao hợp.

Và việc vắt sữa non vô tình đã đi ngược lại với những lời khuyên cảnh báo này.




Nếu sức khỏe bình thường mẹ bầu không cần vắt sữa non sớm, có thể gây ra sinh non.​
Trên thực tế, nếu mẹ bầu cần thiết phải vắt sữa non do các điều kiện của cơ thể thì vẫn nên được tiến hành bởi các y bác sĩ có chuyên môn chứ không nên tự tiến hành tại nhà. Bởi việc bóp nặn vú không đúng cách còn có thể gây ảnh hưởng đến tuyến vú của mẹ sau này.

Ngoài ra, nếu thực sự cần thiết phải vắt sữa non thì thời gian an toàn cho việc này là vào tuần thứ 36 của thai kỳ chứ không nên quá sớm như một số diễn đàn hướng dẫn, có thể vắt sữa non ở tuần thứ 28 hay 29.

Cuối cùng, vấn đề vệ sinh và bảo quản sữa cũng sẽ không thể đảm bảo vệ sinh vô trùng nếu mẹ bầu tự tiến hành. Và vì vậy, nguồn sữa dự trữ đó sẽ không an toàn cho bé.

Như vậy, sức khỏe trong thai kỳ là một điều mẹ bầu cần chú ý nghiêm ngặt và cẩn thận. Cách tốt nhất là mẹ bầu nên tham khảo những ý kiến chính thống từ y bác sĩ, tránh tìm hiểu thông tin không đáng tin cậy trên mạng internet và áp dụng có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Theo Yeutre

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn