Bạn sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được một bé con xinh đẹp, khỏe mạnh. Thế nhưng, những vấn đề bạn phải đối mặt khi mang thai thật không dễ dàng vượt qua được. Hãy xem cùng xem 7 vấn đề thường gặp và cách giải quyết chúng nhé!





1. Xì hơi và ợ
Nguyên nhân: Khi bé lớn lên, không gian trong bụng bạn bắt đầu trở nên chật chội. Thêm vào đó tất cả những thực phẩm tốt cho sức khỏe đều có thể làm cho bạn có thêm nhiều hơi trong bụng, và hơi phải tìm cách thoát ra, bằng đường này hoặc đường khác.

Giải pháp: Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn hơn là một ngày ăn liền ba bữa lớn. Bạn cũng cần tránh những thực phẩm nhiều chất béo, nước ngọt có ga, đặc biệt là những chất làm ngọt nhân tạo. Đi bộ nhẹ nhàng 20 phút sau bữa ăn tối sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn và giảm hơi trong bụng. Khi đi ngủ, bạn có thể kê thêm gối cho đầu hoặc chân cao hơn bình thường để giảm áp lực lên ruột, giúp dễ tiêu hóa hơn.

Bạn đừng quá lo lắng khi mình liên tục xì hơi và ợ, tất cả mọi người đều như vậy. Chỉ là với phụ nữ mang thai thì nhiều hơn một chút mà thôi.

2. Đường Linea Nigra xuất hiện giữa bụng

Nguyên nhân: Các hormone thai kỳ đã tạo nên tác dụng phụ này. Mức độ estrogen tăng lên thúc đẩy cơ thể sản xuất hắc tố melanin, dẫn đến núm ti sậm màu hơn và đường Linea Nigra xuất hiện giữa bụng. Bạn cũng có thể nhận thấy những vết nám trên mặt bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai.

Giải pháp: Bạn thật sự không thể ngăn chặn được chứng sạm da, nhưng bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài là cách giúp sạm da không trở nên tồi tệ hơn. Những thay đổi ở da thường mờ dần trong một vài tuần sau khi sinh, vì vậy, đừng quá lo lắng về chúng. Trong thai kỳ, chú ý đừng mặc áo sáng màu mỏng, có thể sẽ làm lộ ra đường Linea Nigra giữa bụng.

3. Táo bón

Nguyên nhân: Ngay sau khi bạn thụ thai, quá trình tiêu hóa bắt đầu chậm lại (điều này cho phép cơ thể hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn cho bạn và em bé). Thêm vào đó, em bé ngày càng lớn lên, chiếm hết chỗ trong bụng khiến ruột gặp khó khăn khi tiêu hóa các bữa ăn.

Giải pháp: Ăn nhiều chất xơ để tăng cường nhu động ruột. Trái cây tươi, rau, đậu, ngũ cốc… cần được đưa vào thực đơn, bên cạnh đó, bạn đừng quên uống thật nhiều nước.
Không nên lo lắng quá, vì táo bón rất khó chịu nhưng hiếm khi gây nguy hiểm.

4. Ngứa núm ti
Nguyên nhân: Bạn có thể nhận thấy ngực và núm ti đều có sự thay đổi rõ rệt để chuẩn bị cho bé bú. Khi ngực phát triển, da nhạy cảm ở khu vực này nhiều hơn, khiến cho bạn bị ngứa dai dẳng.

Giải pháp: Dưỡng ẩm da (với vitamin E) là cách để cho da mềm mại và giảm bớt ngứa. Bên cạnh đó bạn lưu ý tránh xa những loại vải có thể gây kích thích cho da như len, vải bố…

Khi bạn cảm giác như ngực phát ban hoặc núm ti chảy máu, hãy nhanh chóng đến bác sĩ. Đây có thể là triệu chứng của nhiễm trùng, hoặc trong trường hợp hiếm hoi, đó có thể là dấu hiệu của ung thư vú.

5. Rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
Nguyên nhân: Khi mang thai, sự phát triển của bé sẽ gây áp lực lên bang quang. Đặc biệt trong giai đoạn sắp sinh, một số hormone báo hiệu cơ xương chậu của bạn giãn ra để bạn có thể sinh em bé, điều này có thể khiến cho bạn bị rò rỉ nước tiểu mỗi khi hắt hơi hoặc cười khúc khích.

Giải pháp: Làm bài tập Kegel nhiều lần trong ngày sẽ giảm thiểu đến mức tối đa chuyện rò rỉ này trong thai kỳ. Ngoài ra, bạn cần chịu khó đi vệ sinh nhiều lần trong ngày để bang quang không bị quá đầy.

Nếu bị đau hay nóng rát khi đi tiểu, bạn cần đến bác sĩ kiểm tra vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

6. Giảm ham muốn
Nguyên nhân: Sự thay đổi của cơ thể, các hormone và những mệt mỏi sẽ khiến bạn giảm ham muốn tình dục và không xem đó là một chuyện cần thiết nữa.

Giải pháp: Thật ra đây là một điều hoàn toàn bình thường. Nếu bạn lo lắng quan hệ sẽ làm tổn thương em bé thì hãy yên tâm, vì em bé được bảo vệ trong nước ối và tử cung. Chỉ cần bác sĩ không có cảnh báo gì là bạn có thể quan hệ bình thường. Tuy nhiên nếu là vấn đề tâm lý, hãy nói chuyện với chồng để được thông cảm và cùng tìm cách để có thêm hứng thú với chuyện ấy. Bản thân bạn và chồng cần hiểu rằng đây chỉ là giai đoạn tạm thời và có thể gần gũi bằng cách khác: ôm, hôn, vuốt ve, đi chơi hoặc nghỉ dưỡng cùng nhau…

7. Nổi mụn như khi mới dậy thì
Nguyên nhân: Tất nhiên là do hormone thay đổi khi mang thai, khiến mặt của bạn nở đầy hoa như lúc mới dậy thì rồi.

Giải pháp: Bạn hoàn toàn không nên dùng các sản phẩm trị mụn trong thời gian này, vì các nghiên cứu cũng chưa xác định được mức độ an toàn của chúng đối với thai kỳ của bạn. Cách tốt nhất là gặp bác sĩ để có cách điều trị tốt nhất. Ngoài ra, bạn nên rửa mặt thật sạch bằng nước và đắp mặt nạ từ thiên nhiên 1 tuần 1 lần để cải thiện hơn làn da của mình.

Rất may là mụn thường sẽ tự biến mất sau khi bạn sinh con hoặc sớm hơn, khi bạn lấy lại cân bằng hormone trong quá trình mang thai.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn