Kegel là những bài tập giúp thúc đẩy các cơ bắp ở vùng đáy khung chậu – nhóm cơ có tác dụng hỗ trợ tiết niệu, bàng quang, tử cung và trực tràng. Bài tập được đặt theo tên của Arnold Kegel, một bác sĩ phụ khoa đã sáng tạo ra phương pháp này vào năm 1940 để giúp phụ nữ trong việc giảm thiểu chứng són tiểu, hoặc kiểm soát sự suy giảm hoạt động của bàng quang - những dấu hiệu thường gặp sau thời gian sinh nở.





Nếu bạn chưa tập Kegel, hãy bắt đầy ngay từ bây giờ!

Việc tăng cường các cơ xương chậu giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ són tiểu - một vấn đề xảy ra ở khoảng 70% phụ nữ trong hoặc sau giai đoạn mang thai. Các bài tập Kegel cũng giúp giảm thiểu những rủi ro đại tiện không kiểm soát.

Vì Kegel cải thiện khả năng lưu thông tới khu vực trực tràng và âm đạo, chúng có tác dụng ngăn ngừa bệnh trĩ và đẩy nhanh quá trình hồi phục sau ca phẫu thuật tầng sinh môn. Cuối cùng, việc duy trì các bài tập Kegel một cách đều đặn sau khi sinh không chỉ duy trì khả năng kiểm soát hoạt động của bàng quang mà còn thúc đẩy các cơ âm đạo, giúp cho hoạt động tình dục đạt khoái cảm hơn.

Thực hiện các bài tập Kegel như thế nào?

Khởi động với một bàng quang trống. Tưởng tượng giống như bạn đang cố gắng ngừng “xì hơi” vậy và trong lúc đó hãy nín lại dòng nước tiểu. Cảm giác này giống như cảm giác “co thắt” khi bạn đang cố kéo hoặc đẩy cái gì đó vào và ra khỏi âm đạo.

Nếu bạn không chắc rằng bạn làm đúng hay chưa, hãy kiểm tra bằng cách luồn một ngón tay sạch vào âm đạo trước bài tập. Nếu bạn thấy có áp lực xung quanh ngón tay khi thực hiện bài tập, vậy là bạn đã làm đúng cách. Bạn cũng có thể thử Kegel khi đang quan hệ và hỏi chàng xem có cảm nhận được sự co thắt không. Nếu bạn làm đúng, anh ấy sẽ cảm thấy bạn đang “cậu nhỏ” như được siết chặt lại. Hãy chắc rằng bạn đang co thắt các cơ sàn chậu chứ không phải là cơ bụng, cơ chân, cơ mông hay cố gắng nín thở. Nói cách khác, bài tập Kegel chỉ có vận động duy nhất các cơ xương chậu mà thôi.

Có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy khó tách biệt các cơ này, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn khi được luyện tập thường xuyên. Khi thực hành Kegel, bạn đặt tay lên bụng để chắc rằng các cơ này được thả lỏng hoàn toàn.

Nếu bạn chưa tập Kegel, bắt đầu bằng cách giữ chặt các cơn co thắt này khoảng vài giây trước khi thả lỏng ra và thư giãn một vài giây sau mỗi lần cơn co thắt. Khi các cơ trở nên mạnh mẽ hơn, bạn có thể duy trì trong vòng mười giây cho từng lần thực hành. Nếu bạn bị són tiểu, cố gắng thực hiện Kegel khi hắt hơi, ho hay nhấc một vật nặng gì đó. Nó sẽ giúp bạn giảm thiểu việc tiểu gắt đấy!

Luyện tập Kegel thường xuyên như thế nào?

Với những người mới bắt đầu, hãy luyện tập vài lần mỗi ngày. Khi các cơ của bạn trở nên khỏe hơn, tăng dần số lượng và thời gian duy trì co thắt lên đến khoảng 10 giây mỗi lần. Bạn có thể tập 3 lần mỗi ngày, chia ra 3-4 đợt mỗi lần và một đợt là 10 lần co thắt.

Bạn có thể tập Kegel như một hoạt động hàng ngày: ví dụ, bạn có thể thực hành khi thức dậy vào buổi sáng, khi đang xem ti vi và trước khi đi ngủ. Nói tóm lại bài tập Kegel vô cùng linh hoạt, không bị phụ thuộc vào việc bạn tập vào lúc nào và ở đâu – miễn là bạn cố duy trì tập luyện một cách đều đặn.

Hãy kiên nhẫn và tập luyện thường xuyên. Có thể mất khoảng sáu tuần tập luyện bạn mới bắt đầu nhận thấy sự cải thiện trong việc kiểm soát bàng quang của mình.

Nên duy trì Kegel trong bao lâu?

Bạn nên tiếp tục các bài tập Kegel để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa chứng són tiểu khi tuổi càng cao. Cho nên tốt nhất bạn hãy thực hành Kegel như một thói quen hàng ngày vậy.

Việc rèn luyện cho cơ xương chậu của bạn khỏe mạnh còn giúp bạn tránh được nguy cơ bị sa dạ con - một bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Tình trạng này làm cho tử cung, bọng đái và các mô trực tràng sa xuống âm đạo. Đây là nguyên nhân gây són tiểu, cũng như các triệu chứng khác bao gồm cảm giác nặng nề ở vùng xương chậu, đau lưng hay cảm giác khó chịu khi quan hệ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn