Hậu sản là bệnh phụ nữ có thể mắc sau sinh. Cơ thể sản phụ thường mệt mỏi, yếu, co cơ tử cung, phần kín có sản dịch…









Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên bác sĩ khoa sản, bệnh viên Từ Dũ cho biết, theo y học hiện đại, thông thường, sinh lý của người mẹ sẽ phục hồi lại sau 6 tuần lễ (42 ngày) kể từ khi sinh con xong. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc sức khỏe tốt, người phụ nữ sẽ mắc một số chứng bệnh. Đầu tiên phải kể đến là băng huyết sau khi sinh. Đây là tai biến sản khoa hay gặp nhất (nguy cơ cao nhất trong 24 giờ sau khi sinh).
Băng huyết cũng là một nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ. Triệu chứng chung của các trường hợp này là chảy máu nhiều ngay sau khi sinh thai và sổ nhau (rau). Khi máu ra nhiều, sản phụ có thể bị choáng, da xanh, mạch nhanh, huyết áp hạ, khát nước, chân tay lạnh, vã mồ hôi…
Nhiễm khuẩn hậu sản là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục và thâm nhập vào cơ thể phụ nữ bằng cách ngược dòng âm đạo hoặc cổ tử cung, hoặc qua các tổn thương của cơ quan sinh dục trong khi sinh (sót nhau, đỡ đẻ không vô khuẩn, vệ sinh âm đạo sau sinh kém...).



Tiền sản giật và sản giật sau sinh là một trong những thách thức lớn nhất về sức khỏe ở phụ nữ trong giai đoạn sau sinh, là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong bà mẹ trên toàn cầu. Phần lớn các trường hợp sản giật xảy ra trong những ngày đầu sau sinh.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh còn dễ mắc bệnh trầm cảm. Đây là bệnh suy giảm về tinh thần xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ sau sinh. Các bà mẹ bỗng trở nên vui, buồn bất chợt, dễ rơi nước mắt, tủi thân, hay lo âu, chán ăn, khó ngủ… Sản phụ cũng thường bí đại, tiểu tiện do tình trạng liệt ruột hoặc giảm nhu động ruột, liệt cơ bàng quang.
Còn theo quan niệm y học cổ truyền, phụ nữ sinh xong thuộc thể hàn và đa phần bị tổn thương mạch xung, mạch nhâm, tổn thương khí huyết, tân dịch, lỗ chân lông giãn ra, người rất yếu và mệt mỏi. Khi nhiễm phải hàn tà, lao động quá sức, sinh hoạt, ăn uống không đúng cách..., tình trạng này càng nặng thêm, dẫn đến hàn tà nhập biểu, nhập lý, khí hư, huyết ứ, huyết nhiệt…, gọi chung là sản hậu. Các chứng bệnh này thường mắc trong thời gian ở cữ của sản phụ, khoảng 90-100 ngày sau sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, phòng và ngăn ngừa các chứng bệnh hậu sản là rất cần thiết. Trước hết, gia đình cần theo dõi tình trạng sức khỏe của các bà mẹ tối thiếu 3 ngày sau khi sinh về. Sản phụ cần được theo dõi huyết áp, dấu hiệu của choáng, sốc, số lượng nước tiểu để phòng và cấp cứu kịp thời băng huyết, sản giật; xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, vận động và đi lại ngay khi có thể, theo dõi số lượng nước tiểu, lần đi đại tiện để hạn chế liệt ruột và bàng quang; theo dõi sự co của tử cung, màu, số lượng, mùi của sản dịch.



Ngoài ra, người thân cần theo dõi sắc mặt, màu lưỡi, thể chất và tinh thần sản phụ để phát hiện sớm đờ tử cung, sót rau, viêm nhiễm trùng sản hậu. Chị em sau khi sinh cũng nên sinh hoạt đúng cách như: Mặc quần áo dài, đi tất, không dùng quạt điện trực tiếp, nằm trong phòng kín không có gió lùa, không ra ngoài trời khi có gió lạnh, nên sử dụng nước ấm để tắm, rửa… Nếu không, bạn rất dễ hàn tà (khí lạnh) xâm nhập vào cơ thể, gây một số chứng bệnh như: Ớn lạnh, ù tai, chóng mặt, lạnh chân; các chứng đau như: Đau đầu, đau gót chân, đau lưng, đau chân, đau khớp, chuột rút ở chân…
Phụ nữ sau sinh cần ăn uống đúng cách: Không nên kiêng cữ quá nhiều, chỉ cần hạn chế hoặc không nên ăn các thức ăn có tính hàn như: Đồ sống lạnh (các loại gỏi sống, nước lạnh), thức ăn quá chua, muối chua, đồ chiên quá nhiều mỡ; thức ăn có độc: Măng, củ sắn… Bởi chúng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa và hấp thụ của tỳ, vị của sản phụ.
Sản phụ cũng cần chuẩn bị và tạo cho mình tinh thần thoải mái, chia sẻ với người thân cả công việc lẫn tình cảm. Đặc biệt, nhờ chồng giúp đỡ công việc gia đình và chăm sóc con sẽ giúp bạn giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng. Ngoài ra, chị em nên sử dụng các sản phẩm thiên nhiên cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của mẹ, để phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa các chứng bệnh sản hậu.
Theo Phunukieuviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn