Sau khi sinh con xong, cơ thể đang hồi phục của bạn có thể dễ bị tổn thương trước một số tình trạng nhiễm trùng. Viêm nội mạc tử cung là phổ biến nhất, nhưng ngoài ra còn có nhiễm trùng vú, nhiễm trùng các vết thương xuất hiện trong quá trình sinh nở, nhiễm trùng đường tiểu…






Một số loại nhiễm trùng sau sinh đã thật sự manh nha xuất hiện trong quá trình chuyển dạ, dù thường không trở nên rõ ràng trong nhiều ngày – thậm chí là nhiều tuần – sau sinh.

Những dạng nhiễm trùng thường gặp

Bạn có nguy cơ cao hơn đối với viêm nội mạc tử cung nếu quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc khoảng cách thời gian giữa lúc vỡ ối với sinh con kéo dài. Ngoài ra, những phụ nữ sinh mổ cũng có nhiều nguy cơ hơn so với những người sinh thường, nguy cơ đó lại càng cao hơn nữa nếu việc mổ lấy thai diễn ra sau quá trình chuyển dạ hoặc vỡ ối. Với những phụ nữ sinh thường thì những người sinh thường có can thiệp có nguy cơ cao hơn những người sinh thường bình thường.

Một dạng nhiễm trùng sau sinh cũng khá thường gặp là nhiễm trùng vú. Cứ khoảng 20 người mẹ cho con bú thì có 1 người bị tình trạng này, và thường xảy ra nếu núm vú của bạn bị nẻ, nứt. Những mẹ không cho con bú thường ít bị tình trạng này, tuy nhiên vẫn có thể bị nếu bầu vú của bạn đã căng, ứ trước khi sữa cạn đi.

Nếu bạn sinh mổ thì có thể bị nhiễm trùng tại vết mổ. Còn sau ca sinh thường, bạn cũng có thể bị nhiễm trùng ở vết rách hoặc vết rạch tầng sinh môn, tuy đây là những trường hợp không thường gặp. Ngoài ra, cũng hãy để ý đến những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt nếu bạn có gắn ống thông tiểu.

Những dấu hiệu của nhiễm trùng sau sinh

Những cơn sốt, ớn lạnh, hoặc khó ở thường là những dấu hiệu rõ rệt nhất, nhưng ngoài ra cũng còn những dấu hiệu khác mà bạn nên lưu tâm như:

Đau bụng dưới, sốt, ớn lạnh, sản dịch có mùi lạ (dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung);
Vú đau, cứng, ấm, đỏ – thường chỉ ở một bên vú – bị sốt, ớn lạnh, đau cơ hoặc mệt mỏi rã rời, đau đầu (dấu hiệu của viêm vú);
Bị đỏ, chảy dịch, sưng, ấm, đau nhiều hoặc nhạy cảm hơn ở vùng quanh vết thương (có thể là vết sinh mổ, vết cắt tầng sinh môn, hoặc vết rách khi sinh) hoặc vết thương trông như chuẩn bị tách ra;
Tiểu khó, tiểu đau, cảm giác cần đi tiểu thường xuyên và gấp gáp nhưng lại tiểu rất ít hoặc không có gì, nước tiểu đục hoặc có lẫn máu (dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu).

Cần làm gì nếu bạn nghĩ có thể mình đã bị nhiễm trùng?

Nhiễm trùng nếu không được chữa trị có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, nên hãy báo càng sớm càng tốt cho bác sỹ nếu bạn bị sốt hoặc bất cứ dấu hiệu nào khác đã được nêu ở trên. (Bên cạnh đó, tuy bạn có thể đã nghe nhiều người nói tình trạng căng sữa có thể gây sốt nhẹ nhưng khi điều đó xảy ra, đừng cố gắng tự chẩn đoán và cho rằng chính chuyện ứ sữa, căng tức ngực là nguyên nhân khiến mình bị sốt sau sinh. Thay vào đó, hãy gọi bác sỹ.)

Bạn sẽ được cho thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng. Hãy chắc chắn bạn cho bác sỹ biết nếu đang cho con bú mẹ để được điều chỉnh loại thuốc phù hợp. Thường thì bạn sẽ chỉ cần uống thuốc, nhưng cũng có một số trường hợp bạn còn cần tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch và các cách điều trị khác - chẳng hạn, nếu vết thương của bạn bị nhiễm trùng thì có thể cần mở ra và vệ sinh, bôi thuốc lại.

Bạn thường sẽ bắt đầu cảm thấy khá hơn vài ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc, nhưng hãy nhớ dùng hết cho đủ liều, kể cả khi các dấu hiệu đã hết. Hãy hỏi bác sỹ về chuyện sau khoảng bao lâu thì sẽ thấy tác dụng của thuốc, để bạn có thể thông báo với họ nếu chưa thấy có biến chuyển để kịp thời điều chỉnh.

Cuối cùng và không kém phần quan trọng, hãy uống nhiều nước để tránh cơ thể bạn bị thiếu nước, và hãy nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để giúp đỡ cho cơ thể mình chống chọi với tình trạng nhiễm trùng nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn