“Tất cả mọi người – từ bố mẹ, ông bà đến bác sỹ – đều đã chuẩn bị sẵn sàng đón con chào đời nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy con đâu. Từ lúc mẹ mới mang thai, ai cũng hỏi ‘Khi nào sinh thế?’ Nay ngày dự sinh đã qua rồi, mẹ cũng không biết phải nói sao…”






Có lẽ không ít mẹ đã có trải nghiệm này, vừa sốt ruột, vừa thắc mắc vì sao lại như vậy. Câu trả lời đó là: ngày dự sinh thật ra chỉ là tròn 40 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối của bạn và không phải là mốc cố định bắt buộc. Thực tế thời điểm bạn sinh bé có thể có sai số 1-2 tuần, đặc biệt là nếu bạn không nhớ được chính xác chu kỳ của mình. Hầu hết trẻ sơ sinh được sinh trong khoảng tuần thứ 38-42, nếu đến sau tuần thứ 42 mà bé vẫn chưa ra đời thì được coi là thai già tháng.

Vì sao con lại “lì”?

Không ai biết chắc được vì lý do gì mà một số đứa trẻ lại trì hoãn việc chào đời của mình, và việc này không liên quan đến liệu mẹ đã làm hoặc không làm gì khi mang thai cả. Tuy vậy, bạn sẽ có nhiều khả năng mang thai lâu hơn nếu:

Bạn mới mang thai lần đầu;
Trước đây đã từng mang thai già tháng;
Trong gia đình có chị em/ cô dì, nói chung là một phụ nữ khác mang thai già tháng;
Bản thân bạn cũng là thai già tháng.


Liệu việc ở trong bụng mẹ quá lâu có hại cho con?

Việc sinh con sau quá 2 tuần so với ngày dự sinh có thể đem lại nhiều nguy cơ, chẳng hạn như nguy cơ thai lưu, tử vong sơ sinh tăng lên gấp đôi (tỷ lệ 4-7 ca tử vong so với 2-3 ca/1.000 ca sinh nở). Những vấn đề khác liên quan đến thai già tháng còn bao gồm:

Bé gặp vấn đề với việc hô hấp;
Bé ngưng tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm do thiếu không gian trong tử cung của mẹ;
Bất thường với nhau thai;
Giảm lượng nước ối bao bọc xung quanh và bảo vệ con;
Sức khỏe của thai gặp vấn đề, nhịp tim của bé chậm lại và cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường khác;
Bé hít phải phân su;
Cần can thiệp mổ hoặc kẹp ra vì bé quá lớn;
Thai lưu.

Bác sỹ có can thiệp giục sinh hay không?

Việc này tùy thuộc vào bạn đã quá ngày dự sinh bao lâu, và sức khỏe của con thế nào. Bác sỹ có thể quyết định giục sinh nếu bạn đã bị quá 1 tuần, hoặc cũng có thể muốn để chờ thêm một chút xem bạn có tự chuyển dạ hay không. Đồng thời, bác sỹ cũng sẽ kiểm tra tình trạng của bạn thường xuyên hơn để đảm bảo rằng con bạn vẫn khỏe, với một số kiểm tra như:

Đo nhịp tim thai;
Siêu âm để kiểm tra cử động và sự phát triển của con;
Đo lượng nước ối;
Kiểm tra cổ tử cung để xem đã giãn mở chuẩn bị chuyển dạ hay chưa.


Nếu có vấn đề xảy ra với con bạn, hoặc bạn đã quá 2 tuần so với ngày dự sinh, bác sỹ có thể quyết định can thiệp giục sinh để giảm khả năng bạn cần phải mổ, bằng cách kích thích mở cổ tử cung rồi cho bạn thuốc oxytocin để khiến tử cung co thắt, bắt đầu quá trình chuyển dạ. Trong quá trình chuyển dạ, đội ngũ nhân viên y tế sẽ đặc biệt lưu ý phòng ngừa, nhất là nếu bé đã hít phải phân su.

Tất nhiên bạn sẽ lo lắng khi đã quá ngày dự sinh mà con chưa chào đời nhưng hãy cố gắng thư giãn và chờ đợi thêm nếu bác sỹ nói rằng mọi chuyện vẫn bình thường. Hãy tận hưởng thêm chút ít thời gian thư thả trước khi bị cuốn vào vòng xoáy tã sữa quay cuồng suốt cả ngày với con!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn