Đi bộ là một trong những hình thức vận động, thể thao đơn giản, phù hợp và an toàn nhất đối với phụ nữ có thai.





Hoạt động này có thể được thực hiện trong cả 9 tháng thai kỳ, tốt cho sức khỏe tim mạch, tăng sức bền, hệ cơ săn chắc, giảm nguy cơ tiểu đường, tiền sản giật, táo bón, giúp ngủ ngon và giúp dễ dàng kiểm soát cân nặng trong thai kỳ. Ngoài ra, theo các chuyên gia thì hững phụ nữ thường xuyên đi bộ sẽ có quá trình chuyển dạ nhanh và dễ dàng hơn, ít gặp phải nguy cơ hơn.

Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là muốn làm sao cũng được, bạn cần biết đi bộ đúng cách để phát huy ích lợi và giảm thiểu phát sinh thêm nguy cơ.

Lưu ý gì khi đi bộ?

Bạn cần trang bị cho mình đôi giày phù hợp, vừa vặn, bảo vệ được cổ chân và ngón chân, có độ bám tốt vì lúc này cơ thể bạn đã có nhiều thay đổi khiến bạn trở nên vụng về, lóng ngóng hơn nhiều. (Bạn nên chọn giày vào buổi chiều tối, khi kích thước bàn chân lớn nhất.) Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến trang phục để có thể vận động một cách thoải mái. Những thứ cần thiết khác còn bao gồm kem chống nắng, mũ có vành để bảo vệ làn da nhạy cảm; một chai nước nhỏ để đảm bảo cơ thể của bạn được cung cấp đủ nhu cầu, vì việc thiếu nước do vận động và do nhiệt độ trong thời gian này sẽ gây nguy hiểm của cả bạn và con.

Bạn nên đi vào lúc chiều muộn, khi không khí mát mẻ dễ chịu, độ ẩm không quá cao; chọn lộ trình bằng phẳng, không gồ ghề trơn trượt, và phải đủ sáng để bạn nhìn được rõ đường đi.

Tư thế đi đúng là bạn nhìn thẳng, giữ cằm song song với mặt đất, thả lỏng toàn thân – lưu ý phần vai, cánh tay, hông, chân, giữ người thẳng, tránh để chiếc bụng bầu gây sức ép lên cơ lưng, không chúi về trước hoặc ngả ra sau quá nhiều, hít thở sâu, vung tay nhẹ nhàng, thoải mái. Bạn cũng nên nhớ duy trì khoảng cách bước chân vừa phải, tốc độ vừa phải; bàn chân khi chạm đất thì chạm gót chân trước, mũi chân sau.

Ngoài ra, dù đi bộ là một hoạt động nhẹ nhàng nhưng bạn cũng cần khởi động trước khi đi nhé.

Mẹ bầu nên đi bộ bao nhiêu là vừa?

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu nên đi khoảng 20 phút/ngày (không bao gồm quá trình khởi động và thư giãn), khoảng 4 ngày/tuần. Nếu muốn, bạn có thể tăng thêm 5 phút nữa mỗi lượt đi vì vào thời điểm này, lượng máu trong cơ thể bạn đã tăng lên, cung cấp cho bạn nhiều oxy hơn.
Sang tam cá nguyệt thứ hai, trọng lượng tăng lên của cả mẹ và con khiến cho việc đi lại không dễ dàng như trước, tuy nhiên mẹ bầu có thể vẫn duy trì thời gian đi như những tháng trước đây, chỉ cần lưu ý không nên đi quá nhanh, tránh để bị căng thẳng.
Đến tam cá nguyệt cuối cùng, bạn có thể duy trì kế hoạch 4 ngày/tuần, nhưng thời gian đi mỗi ngày tùy thuộc theo điều kiện sức khỏe, và bạn nên đi cùng chồng hoặc người thân nào khác để có thể được giúp đỡ nếu cần.

Và khi nào mẹ bầu không nên đi bộ nữa?

Tuy đi bộ là hoạt động lành mạnh nhưng cũng có những trường hợp mà mẹ bầu cần ngừng lại ngay và gọi bác sỹ, chẳng hạn khi thấy những dấu hiệu như bị chảy máu âm đạo, khó thở, chóng mặt, tức ngực, sưng đau cơ, rỉ nước ối, co thắt tử cung… hoặc nếu bác sỹ yêu cầu bạn không được đi lại nhiều.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn