Nhiều mẹ hoang mang khi có trường hợp trẻ bú bình sặc dẫn đến tử vong. Khi cho trẻ bú bình, mẹ cần lưu ý những điểm quan trọng sau để trẻ khỏe mạnh và an toàn nhé!





- Rửa sạch tay và vệ sinh bề mặt làm trước khi pha chế sữa cho bé.

- Tích trữ lượng sữa thừa lại trong bình để dùng sau có thể gây nguy hiểm do lượng sữa này sẽ bị nhiễm khuẩn khi đã được sử dụng. Nên bỏ lượng sữa này đi nếu không được sử dụng tiếp trong vòng 1 giờ.

- Luôn kiểm tra hạn sử dụng trên vỏ sữa bột và vứt ngay nếu đã quá hạn. Một hộp sữa đã mở ra không nên sử dụng quá một tháng.


- Khi có nhu cầu mang sữa đi theo, cách an toàn nhất là bạn nên trữ nước đun sôi để nguội và lượng sữa bột cần thiết trong 2 bình riêng rẽ, khi cần mới pha vào nhau.

- Bạn tuyệt đối không để bé bú bình một mình và bỏ đi để bé tự xoay xở. Sữa chảy quá nhanh sẽ khiến trẻ sặc sữa và hít dung dịch này vào phổi và có thể gây ngạt. Những trẻ tự bú bình kiểu này còn có nguy cơ mắc bệnh viêm tai và gây các khuyết tật cho bé. Tốt nhất, nên ẵm và vỗ về khi bé ăn, đồng thời trò chuyện với trẻ để giúp bé có thể hấp thụ và phát triển nhanh nhất.

- Bạn nên cho con bú lúc bé đang tỉnh táo.

- Chọn nơi yên tĩnh để cho bé bú bình: Để bé hấp thu hết chất dinh dưỡng từ sữa, thời gian cho bé ăn là một yếu tố khá quan trọng. Tiếng ồn làm bé không tập trung vào việc ăn. Điều này cũng không có nghĩa là bạn không được cho bé bú bình ở nơi đông người. Nhưng ở nhà, bạn nên tắt TV và không trả lời điện thoại.

- Trường hợp không may trẻ đang bú hay ăn bị sặc thì ngay lập tức ngừng việc cho ăn, cho bú và sơ cứu ngay lập tức. Mẹ cần nắm vững các thao tác sơ cứu trẻ sặc sữa.
Theo Phununew



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn