Sinh con là bước cuối cùng, là đỉnh cao của quá trình thai nghén. Mỗi bà mẹ chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng để đối diện với giờ phút ấy theo những tâm trạng và tư thế khác nhau.





Tư thế khám phụ khoa

Trước đây tư thế truyền thống vẫn là nằm ngửa, hai chân giơ lên đặt ở bàn đạp theo tư thế phụ khoa (lithotomy) theo chỉ định của bác sĩ.


Sản phụ thường được hỗ trợ thuốc gây tê, gây mê và gắn máy theo dõi khi sinh bé theo tư thế này, tuy nhiên nó khá bất lợi vì tiến trình chuyển dạ bị chậm đi, huyết áp tụt, các mô mềm sàn khung xương chậu bị chùng giãn, thời gian chuyển dạ bị kéo dài, tiến trình sổ nhau tự nhiên chậm lại và dễ kiệt sức…

Các tư thế sinh tự nhiên


Dĩ nhiên các thai phụ sẽ thoải mái hơn nếu sinh con theo tư thế tự nhiên, là bởi tư thế khám phụ khoa giúp bác sĩ thuận tiện hơn cho các thao tác của họ mà ít quan tâm đến nguyện vọng và tư thế mong muốn của thai phụ.

Tư thế sinh tự nhiên thông thường là: đứng, ngồi và quỳ. Bạn cũng cần biết là không có tư thế chuyển dạ nào là đúng sai cả, đơn giản là bạn cảm thấy thoải mái nhất với sự lưa chọn của mình để giảm thiểu đau đớn và rủi ro thôi.

• Tư thế đứng: Bạn đứng thẳng người, đối mặt với chồng, bác sĩ hoặc người thân, tựa vào vai để họ gánh giúp sức nặng của bé, tập hít thở thật sâu.

• Tư thế ngồi: Bạn dùng một chiếc ghế có lưng tựa, kê thêm 2 chiếc gối mềm và ngồi quay ngược lại tư thế thông thường, tì lên gối và co 2 đầu gối lại, thở đều. Tư thế này giúp bạn thoải mái hơn ở giai đoạn đầu của tiến trình chuyển dạ.

• Tư thế quỳ: Nếu bác sĩ xác định em bé đang nằm ngôi mông thì tư thế thích hợp nhất là bạn quỳ 2 tay, 2 chân xuống sàn nhà để giảm áp lực lên cột sống của mình.

Ưu điểm của 3 tư thế này là tận dụng được lực kéo hướng xuống, tử cung co thắt theo chiều thẳng đứng, sàn khung chậu được căng giãn nên đỡ phải cắt tầng sinh môn đồng thời rút bớt áp lực đè lên cơ hoành. Về mặt cơ học, tư thế này còn giúp giảm thiểu căng thẳng cho xương sống và các khớp xương chậu, đặc biệt là thế đứng.

• Tư thế ngồi ghế đẩu: Bạn được chỉ định ngồi trên một chiếc ghế đẩu, phía trước đặt một chiếc chậu hoặc bô lớn, 2 chân dạng ra.• Tư thế ngồi xổm: Đây là một trong những tư thế sinh lý tưởng nhất, bạn vịn tay vào vai của 2 người, ngồi chồm hổm và rặn, thở sâu, nông, nhẹ…theo từng thời điểm thích hợp.• Tư thế ngồi ngả lưng: Cũng dang rộng 2 chân, co đầu gối lên và tựa lưng vào chồng, người thân hoặc bác sĩ như một điểm tựa.

Các loại thuốc hỗ trợ cho tiến trình chuyển dạ

Có lẽ hơi chủ quan khi nhận định rằng, bản năng làm mẹ đã khiến đa phần thai phụ ít chọn giải pháp hỗ trợ của các loại thuốc vì họ sợ thuốc khi đi vào cơ thể, thông qua bánh nhau sẽ ảnh hưởng mạnh đến bé và một phần khác là họ muốn trải nghiệm tất cả cảm giác gian nan của quá trình sinh nở.

Các loại thuốc giảm đau, an thần…đều tác động đến trạng thái thể chất lẫn tinh thần nhưng nếu sức chịu đựng của bạn chỉ đến một giới hạn nào đó thì thuốc là chất hỗ trợ tích cực nhất.

Những loại thuốc dùng thông thường nhất là thuốc an thần, giảm đau và gây tê, gây mê, kích thích thần kinh qua da (TENS)…

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn