Mang thai là cơ hội duy nhất cho phép các bà mẹ ăn nhiều hơn bình thường, tuy nhiên mọi thứ đều có giới hạn của nó và dưới đây là những loại thức ăn bạn nên bỏ qua vì sự an toàn cho cả thai nhi lẫn bản thân người mẹ.







1. Cẩn thận với các loại phô mai chưa tiệt trùng

Hiện nay thị trường có rất nhiều loại phô mai được bày bán, tuy nhiên cần lưu ý rằng: “Có khả năng các loại phô mai này đều chứa một lượng listeria (một loại vi khuẩn có thể gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non) và loại vi khuẩn này thường được tiêu diệt trong quá trình tiệt trùng. Nhiễm phải loại khuẩn này có thể gây ra sẩy thai hoặc đẻ non” - Karyn Morse, bác sĩ sản phụ khoa tại Trung Tâm Y Tế Cedars Sinai ở Los Angeles cho biết.

Kết luận: Đó là lý do mà bạn cần kiểm tra chi tiết các thành phần trên thực phẩm để tìm ra chữ “tiệt trùng” hoặc chọn loại phô mai nào đã được chế biến kỹ. Dĩ nhiên không đến mức phải loại trừ phô mai hay nước sốt salad ra khỏi thực đơn và khẩu phần ăn của bạn bởi vì hiện nay đa phần các loại phô mai mềm khi được bày bán đều đã qua tiệt trùng.

Julie Redfern, giám đốc chỉ đạo thường trực đồng thời cũng là một chuyên gia dinh dưỡng lâu năm của bộ phận sản phụ khoa tại bệnh viện Brigham and Women ở Boston cho biết: “Ngay cả khi không qua tiệt trùng, nhưng nếu được nấu ở nhiệt độ cao cho đến khi tan chảy hoặc sủi bọt, phô mai vẫn an toàn cho thai phụ”.

2. Thịt nguội hoặc thịt qua xử lý (ướp muối, xông khói hoặc phơi khô)

Cũng như phô mai mềm, vi khuẩn độc hại listeria ẩn náu cả trong những miếng thịt nguội thơm ngon đầy mời gọi trong tủ kính như thịt heo hun khói, jambon, lạp xưởng và xúc xích. Bác sĩ Morse khuyên các chị em đang mang thai nên tránh xa các loại gà nướng sẵn nếu nó được cất trong tủ đá trước đó. Listeria vẫn có thể sống sót ở nhiệt độ lạnh, và điều đó có nghĩa là vẫn có khả năng chúng làm bạn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thịt gà mới nấu và vẫn còn nóng có thể xem là an toàn.

Kết luận: Tránh các món thịt nguội trong quầy, nhưng bạn vẫn có thể ăn được chúng nếu nấu chín lên. Nếu miếng thịt vẫn còn đang bốc khói hoặc vẫn còn ấm nóng thì sẽ rất an toàn (hơi nóng sẽ giết chết các vi khuẩn có hại).

3. Các loại cá có nồng độ thủy ngân cao

Một vài loại cá to và được xếp vào loại quý nhất thường có chứa một lượng lớn thủy ngân, và điều này không tốt cho sức khỏe của bất cứ ai (có bầu hay không có bầu). Hơn thế nữa, chúng đặc biệt có hại đến sự phát triển hệ thần kinh, phổi, thận, thị giác cũng như thính giác ở trẻ. Bạn nên ghi nhớ và tránh những loại cá sau: cá mập, cá kiếm, cá thu to, cá chép đỏ, cá mú, cá ngừ, và cá ngừ trắng đóng hộp.

Kết luận: Tránh xa các món cá có nồng độ thủy ngân cao, nhưng đừng vì thế mà bỏ hẳn đồ biển. Rất nhiều loại cá khác như cá hồi, cá trích, và sacdin… chứa các axit béo, omega 3 có lợi cho sức khỏe tim mạch bao gồm DHA, chất mà các nghiên cứu đã cho thấy có thể thúc đẩy sự phát triển trí não của bào thai. Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây đã phát hiện ra rằng gần 75 % phụ nữ có thai không được ăn đủ các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp trong quá trình mang thai.

Bạn nên cố gắng nạp đủ 340g một tuần các loại cá “an toàn” này – bao gồm cá hồi, tôm, cá tuyết, cá bơn, cá rô, và sò điệp. Nếu bạn thích món bánh mì kẹp thịt cá ngừ, bạn vẫn có thể ăn loại khoanh mỏng đóng hộp một tuần một lần ( khoảng 85 - 170g). Dĩ nhiên là chúng ta đang nói về các loại cá đã nấu chín còn cá sống thì sẽ được bàn ở phần sushi dưới đây.

4. Sushi và sashimi (loại cá sống cắt miếng trong món ăn của Nhật)

Trong một số ít trường hợp các loại cá sống có thể chứa các vi khuẩn hoặc vi trùng gây ngộ độc thực phẩm. “Nhưng điều lo ngại chính đối với sushi là nếu chẳng may bạn ăn phải các ký sinh trùng trong đó, thì nó không chỉ là điều khó chịu tột cùng mà còn rất khó trị trong quá trình mang thai. Các ký sinh trùng còn có thể lấy đi các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho em bé đang phát triển trong bụng mẹ” bác sĩ Morse cho biết. Thêm vào đó, một vài miếng sushi phổ biến (như cá ngừ cay) có thể chứa một lượng thủy ngân rất cao.

Kết luận: Chính vì vậy mà lời khuyên cho bạn là bỏ qua các loại sushi với cá sống, nhưng những loại làm từ cá chín thì hoàn toàn bình thường. Sushi cuốn với lươn, cua tẩm bột chiên giòn thì an toàn tuyệt đối với chế độ ăn của bạn. Bạn có thể ăn kèm món này với các loại rau củ, salad…

5. Trứng sống hoặc tái (trứng lòng đào)

Có một vài khả năng bạn sẽ bị nhiễm salmonella (vi khuẩn có hình que, tạo ra các bệnh thương hàn, phó thương hàn ở người và động vật) và các bệnh ngộ độc thực phẩm khác từ trứng được nấu theo kiểu ốp la và từ các nguồn thực phẩm làm từ trứng sống khác như nước sốt, bột bánh chưa nướng...

“Hệ thống miễn dịch của bạn thường trở nên yếu hơn khi bạn mang thai và điều đó có nghĩa là những vi khuẩn không thể gây được bệnh cho bạn trước đây sẽ có cơ hội làm lại điều đó,” Redfern cho biết.

Cũng như vậy, nôn mửa hay tiêu chảy trước khi bạn mang thai chỉ gây ra sự khó chịu nhưng giờ đây lại có thể dễ dàng kích thích sự mất nước trong cơ thể bạn hơn và như vậy hoàn toàn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí trong một vài trường hợp cá biệt có thể dẫn đến việc đẻ non ở thai phụ.

Kết luận: Chỉ cần bạn chắc chắn là trứng bạn dùng đã được chế biến kỹ, thì chúng hoàn toàn an toàn để bạn dùng – và bạn nên dùng trứng để bổ sung dinh dưỡng trong thời gian này! Trứng là một nguồn giàu protein và choline (một loại vitamin B hỗn hợp, cần thiết trong việc chuyển hóa chất béo), một nguồn dinh dưỡng mà các nghiên cứu đã chỉ ra răng có thể đẩy mạnh sự phát triển trí óc ở thai nhi và ngăn chăn được các trường hợp khuyết tật ở trẻ sơ sinh.

6. Dùng cà phê, các đồ uống có gas hoặc có caffeine với số lượng lớn

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hàm lượng caffeine cao (khoảng hơn 2 -3 tách cà phê mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai. Caffeine cũng là thủ phạm gây việc đẻ non và thiếu kg ở các thai phụ. Một cuộc nghiên cứu của Kaiser Permanente đã chỉ ra rằng: “những phụ nữ mang thai dùng quá 200mg caffeine mỗi ngày sẽ mắc gấp đôi nguy cơ sảy thai so với những người không dùng caffeine”.

Kết luận: Giới hạn lượng caffeine, nhưng bạn cũng không cần phải bỏ nó hoàn toàn. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng một tách nhỏ cà phê hay nước có gas hay thậm chí 2 tách/ly một ngày đều ổn. (Tuy nhiên bạn có thể hỏi thêm thông tin từ bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng hay đã có tiền sử bi sẩy thai hoặc sinh non).

Điều rắc rối ở đây là chất lượng của cà phê có thể rất khác nhau tùy theo loại hạt và cách mà chúng được pha chế. Theo một nguyên tắc chung, một cốc cà phê java khoảng 224g chế biến tại nhà có khoảng 100mg caffeine. Các loại trà thông thường và các loại nước soda chứa caffeine chứa khoảng 1/3 số lượng này trong mỗi phần/gói. Hãy giữ lượng caffeine này dưới 283g từ các loại cà phê thông thường và 567g từ các loại trà thông thường; nếu nhiều hơn thì nên dùng các loại cà phê không chứa caffeine.

7. Trà thảo dược

Một số loại thảo dược có thể có các tác dụng tương tự như thuốc thật, đó chính là lý do tại sao FDA (Cơ Quan Quản Lý Thuốc và Thực Phẩm của Mỹ) và các bác sĩ đều khuyên bạn nên tránh xa một số loại nhất định. Mặc dù lượng thảo dược sử dụng trong các loại trà trên thị trường thường được cho là không đủ để gây nên vấn đề to tát gì, nhưng bởi vì FDA không có quy định quản lý chúng nên chúng ta không cách gì biết được chính xác chúng gây tác hại như thế nào.

“Tôi thường gợi ý cho các bệnh nhân tránh các loại trà có chứa hoa cúc và hoa dâm bụt bởi có nhiều chứng cứ cho thấy rằng khi được sử dụng với số lượng lớn chúng có thể gây ra một số vấn đề như đẻ non,” bác sĩ Morse cho biết.

Kết luận: Kiểm tra nhãn thành phần dán trên hộp trà thảo dược của bạn và tham khảo với bác sĩ để xem bạn cần tránh những thứ gì trong đó. Không hẳn tất cả các loại thảo dược đều gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai – một hoặc hai tách trà bạc hà nhẹ hoặc trà có vị trái cây đều không thành vấn đề, bác sĩ Morse cho biết. Cũng như các loại trà xanh và trà đen ( bạn chỉ cần đọc nhãn hiệu và kiểm tra lượng caffeine chứa trong đó). Và để an toàn, hãy trung thành với các nhãn hàng có uy tín. .

8. Các thức ăn cay

Ăn thật nhiều các đồ ăn cay có thể gây cho phụ nữ có thai chứng ợ nóng nghiêm trọng, một trong những triệu chứng mà bạn khá quen thuộc trong thời gian này. Mặc dù chúng không gây hại gì cho em bé trong bụng nhưng lại có thể làm bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu. Và những phụ nữ mắc chứng GERD (một chứng rối loạn tiêu hóa làm các men tiêu hóa trào ngược lên cổ họng, một dạng nặng và mãn tính của ợ hơi) cần cẩn thận tránh các món ăn cay.

Kết luận: Nếu bạn mắc chứng ợ hơi, hãy bỏ mọi món cay; nếu bạn không bị thì có thể nuông chiều bản thân một ít. Nếu bạn có nghe tin tức đâu đó rằng những thứ như ớt, bột cà ri, tương ớt, các loại nước xốt cay nồng và những loại tương tự có thể gây ra những cơn đau đẻ thì hãy lờ chúng đi. Chẳng có chứng cứ khoa học nào xác định về việc đó.

9. Các thức uống có cồn

Một thực tế đã được đúc kết chắc chắn rằng sử dụng các thức uống có cồn thường xuyên trong lúc mang thai có thể gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho thai nhi. Đồng thời nó cũng gây ra hàng loạt các khuyết tật về trí óc và thể chất cho trẻ khi sinh ra.

Nhưng chúng ta vẫn chưa biết chính xác mức độ nguy hiểm là bao nhiêu mà chỉ biết rằng cồn xuyên qua nhau thai ngay khi được tiêu thụ, do đó em bé của bạn cũng sẽ uống những gì bạn uống. “Vì chưa biết được bao nhiêu lượng cồn thì có thể thực sự gây nguy hiểm cho bào thai, nên tốt nhất là bạn không nên dùng chúng,” bác sĩ Morse đưa ra lời khuyên.

Kết luận an toàn nhất là bạn nên trung thành với loại nước tinh khiết cho đến khi em bé chào đời. Ngoài ra bạn vẫn có thể sử dụng nước ép của các loại hoa quả khác, thậm chí có thể uống 1 ly nhỏ sâm panh trong dịp lễ tết hoặc những tháng cuối cùng của thai kỳ.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn