Đặt tên cho con tức là trao cho bé một tài sản vô hình theo suốt cuộc đời của bé, tất nhiên là phải cẩn thận và cân nhắc. Vậy nên bắt đầu từ đâu?







Vì đây là việc trọng đại, bố mẹ mình nên làm trước khi con ra đời, để tránh tình huống bé đã sinh ra rồi mà bố mẹ vẫn chưa biết đặt tên gì cho con, vội vội vàng vàng nhắm mắt chọn đại một cái tên để đi làm khai sinh, thế là bao công sức nghĩ ngợi tranh luận thành ra “đổ sông, đổ bể” hết.

Từ giữa tam cá nguyệt thứ 2, tức vào khoảng tháng thứ 5, bố mẹ hãy bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến chuyện chọn cho con một cái tên đi nhé! Vào thời điểm này, nhiều bố mẹ đã mơ hồ dự đoán con là con trai hay con gái để chuẩn bị sắm sửa và nghĩ một cái tên, nhưng dù mong hay đoán giới tính bé là trai hay gái, bạn vẫn nên chọn sẵn một cái tên cho con trai và một cái tên cho con gái, hoặc hướng đến cái tên trung tính có thể đặt cho cả bé trai và bé gái.

Để dễ dàng hơn cho các bố mẹ không biết bắt đầu việc này từ đâu, dưới đây là các bước cơ bản để chọn tên cho con:

Bước 1: Tìm ý tưởng và thảo luận

1- Chọn phong cách. Bạn muốn con có một cái tên truyền thống, phổ biến hay thật độc đáo và hiện đại? Cái tên của con thường mang phong cách của cha mẹ nhiều hơn, nhưng biết đâu nó cũng sẽ ảnh hưởng một chút đến tính cách của con sau này?

2- Xem xét truyền thống gia đình. Nhiều gia đình có sẵn đệm họ và đệm tên theo truyền thống, việc chọn tên sẽ bị giới hạn ít nhiều để phù hợp với phần đệm có sẵn. Có bố mẹ lại muốn tạo ra một mạch tên liền mạch cho các con, ví dụ anh Thông em Thái, hay chị Hạnh em Phúc…

3- Bố và mẹ, mỗi người viết ra một danh sách các tên mình thích. So sánh 2 danh sách với nhau, có cái tên nào cả hai đều thích không nhỉ? Nếu có, hãy ghi sang một danh sách mới. Chồng bạn có thể thích một cái tên bạn không thể thích được, hãy gạch nó đi, tương tự với chồng bạn, sau đó thêm những cái tên tiềm năng khác vào và lại đối chiếu. Lúc này các bạn đang có thời gian cho việc này mà.

4- Cân nhắc những cái tên mang quá nhiều trông đợi của bố mẹ vào học vấn, tính cách và ngoại hình của con. Sẽ rất áp lực cho bé về sau, và có khi đứa trẻ lớn lên cũng không thích cái tên của mình.

5- Nên cân nhắc những cái tên theo kiểu phiên âm tiếng nước ngoài, và cũng nên gạt những cái tên của thần tượng tức thời. Tuyệt đối tránh những cái tên mang tính tiêu cực dù hoàn cảnh lúc này của bạn như thế nào, chắc chắn em bé không có lỗi để mang dấu ấn khó chịu đó suốt đời.

Bước 2: Chọn tên

1- Hãy chọn tên cho con trong số tên cả hai cùng thích (dù không phải thích nhất). Hãy thử dùng tên đó để trò chuyện với bé hoặc nói về bé trong nhiều ngày để xem có quen được không và còn thích không. Khi quyết định đặt cho con, bạn sẽ phải gọi cái tên đó rất nhiều đấy.

2- Lưu ý về giới tính.

Nên chuẩn bị sẵn tên cho cả con trai và con gái.
Có những cái tên dùng được cho cả trai lẫn gái, nhưng bạn cũng nên chọn tên đệm nghiêng về giới tính của bé hơn, hoặc thực sự trung tính. Ví dụ, bạn có thể đặt tên Minh Anh cho cả con trai và con gái, nhưng tên Ngọc Anh rõ ràng là hợp với con gái hơn là con trai.


3- Lưu ý về chữ viết tắt, tên trong tiếng nước ngoài, và khả năng gán biệt hiệu. Hãy tránh cho con những khó xử và bị trêu ghẹo không đáng có về sau.

4- Nên viết và kiểm tra tên con đúng chính tả trong khai sinh. Đừng nghĩ là kiểu viết biến tấu (Dũng thành Dzũng, hay Linh thành Lynh) có thể khiến tên con bạn nghe thật “tây”. Quan niệm và trào lưu mỗi thời mỗi khác, còn lỗi chính tả sẽ luôn là lỗi chính tả.

5- Nếu bạn thích đặt tên các con theo cùng mạch ý nghĩa, cùng một chữ cái đầu, cùng đệm hoặc cùng tên thì nhân tiện chọn tên cho 1 đứa thì cũng chọn luôn vài cái tên nữa để dành cho đứa sau.

Bước cuối cùng và cũng là bước khó xử nhất là thông báo cái tên được hai bố mẹ lựa chọn cho ông bà nội ngoại và họ hàng. Nhiều khả năng sẽ có ý kiến phản đối, nhưng hãy nhớ rằng đặt tên gì cho con mình là quyền của cha mẹ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn