Chỉ số ít các mẹ may mắn không nghén ngẩm gì trong suốt quá trình mang thai, còn thường thì đã có bầu là chị em sống cùng với những cơn ốm nghén, có khi vật vã. Cá biệt, có chị chịu cảnh ốm nghén cho đến khi lên bàn mổ. Hành trình sinh con thật khó nhọc…





Vì sao lại nghén?

Thực tế, có đến 80% phụ nữ mang thai trải qua quá trình nghén ngẩm. Nguyên nhân được cho là do sự biến động của nội tiết tố ß hCG trong cơ thể phụ nữ khi mang thai. Với những mẹ sở hữu hệ thần kinh tương đối nhạy cảm với thực phẩm, hương vị sẽ dễ bị nghén hơn các mẹ khỏe mạnh khác. Chính vì thế, các mẹ hay say tàu xe cũng nằm trong top có nguy cơ ốm nghén cao. Nghén (buồn nôn và ói mửa) cũng có thể bắt nguồn từ những cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc lượng đường trong máu quá thấp. Mẹ nào tập 1 bị nghén thì thường sẽ tiếp tục nghén khi có tập 2.

Ốm nghén là một trong những triệu chứng điển hình của mẹ bầu. Đây là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường, tuy nhiên nếu nghén nặng, nôn ói nhiều, bạn sẽ được bac sĩ khuyên nên đi truyền nước để giữ sức khỏe.

1-0-1 kiểu nghén

Hầu hết các mẹ thường hay bị nôn ói: nghe mùi cơm là ói, thoáng nghe mùi hành-tỏi lại càng khủng hoảng, bình thường ăn vặt như mỏ khoét nhưng có bầu mà thấy đồ ăn là hồn bay phách lạc vì sợ ói.

Cũng liệt vào hàng dễ ói, có mẹ ngửi thấy mùi… chồng, hoặc mùi sữa tắm quen thuộc của chồng cũng lao ngày vào toilet ôm bồn. Sau đó, chồng bị cách ly, hoặc cấm không được dùng chai sữa tắm ưa thích. Nếu bỏ luôn không dùng sữa tắm dầu gội các loại luôn thì càng tốt.

Có mẹ nghén ngủ, lúc nào cũng chỉ mong có cái nệm đằng sau lưng. Đi làm thì ngồi ngáp, về đến nhà chưa kịp cơm nước gì đã đánh một giấc ngon lành, khi nào tỉnh táo mới ăn.

Có mẹ tự dưng thèm những món xưa giờ chưa bao giờ đụng tới. Trước kiêng ngọt vì sợ béo, nay ngày ngày tấp vào quán chè, ăn chè thay cơm. Hoặc tự dưng lên cơn thèm hột vịt lộn, thèm… hải sản…

Đặc biệt, có mẹ nghén… yêu. Thời gian đầu mang thai, cơ thể bỗng dưng cứ rạo rực, thèm yêu nhiều hơn trước. Đến khổ, các ông chồng phần vì mệt, phần vì sợ ảnh hưởng đến con cứ rụt rè làm chị em càng thêm tủi.
Thôi thì 1-0-1 kiểu nghén, kiểu nào cũng bất bình thường, nhưng các mẹ vẫn phải trải qua một cách kiên cường, vì con yêu.

Khi nào hết nghén?

Nội tiết tố ß hCG - kẻ chủ mưu của những cơn ốm nghén - do nhau thai chế tiết ngay trong những tuần đầu sau thụ thai và kéo dài suốt khoảng 10 tuần đầu mang thai. Chính vì thế, thường thì sau 3 tháng là chị em có thể thấy những cơn nghén nhẹ dần và biến mất. Lúc đó, các mẹ tranh thủ bồi bổ cơ thế, “lấy lại những gì đã mất” và cung cấp đủ chất cho thai nhi phát triển.

Cũng vì cơ sở khoa học này, mà những kiểu “chữa ốm nghén bằng mẹo” đơn cử như: bước qua người chồng sẽ hết nghén… là không chính xác đâu. Có chị em bước qua người chồng cả chục lần mà ông chồng vẫn khỏe ro ro, chỉ có chị em nhà mình nghén vẫn hoàn nghén.

Để giảm cơn nôn ói khó chịu, chị em hãy thủ miếng gừng hay quả chanh bên người. Lúc nào nghe mùi “lạ” là bỏ chanh ra ngửi, hoặc pha nước uống. Trà gừng cũng có tác dụng giảm nôn ói. Bữa ăn các mẹ nên chia nhỏ, lúc nào cũng thủ sẵn vài món bánh hoặc lương khô, bánh mì. Bởi khi có bầu rất dễ đói, nhưng lại mau ngán, nên nhiều loại bánh sẽ giúp chị em có thêm nhiều lựa chọn.

Bạn cũng có thể xin ý kiến bác sĩ để được kê loại biệt dược giảm tình trạng nôn ói. Thực tế, ốm nghén là triệu chứng bình thường nhưng nếu kéo dài và nghén nặng sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả con và mẹ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn