Việc mang thai có thể là bài thuốc tự nhiên bảo vệ bạn khỏi một số căn bệnh, nhưng cũng có thể khiến bạn dễ nhiễm một số bệnh khác hơn, bạn có biết đó là những bệnh gì?







Bạn có thể yên tâm và bớt lo lắng hơn về các bệnh như viêm vùng chậu, do nguy cơ đã đi sau khi nút nhầy tử cung đã nút kín cổ tử cung của mẹ bầu lại – vào khoảng giữa tam cá nguyệt đầu tiên.

Nhưng đồng thời, bạn lại sẽ phải lo lắng hơn về các nguy cơ tăng lên so với bình thường như:

Dễ bị hơn: tiểu đường

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến khoảng 5% các trường hợp mang thai. Sở dĩ có điều này xảy ra là do sự thay đổi hormone trong cơ thể mẹ, khiến cho không chỉ sự sản xuất và sử dụng insulin của cơ thể cũng thay đổi theo (theo hướng tăng lên) mà còn sinh ra thêm hormone có tính chất kháng insulin.Bệnh này có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và con nếu không được kiểm soát điều trị cẩn thận – cả trong thai kỳ lẫn sau khi sinh.

Dễ bị hơn: nhiễm trùng đường tiểu

Nguy cơ bị bệnh này lớn nhất là trong khoảng từ tuần thứ 6 đến tuần 24, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như sự thay đổi nội tiết, do tử cung lớn dần chèn ép niệu quản – vốn có tác dụng như van chống trào ngược, ngăn ngừa nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận làm ứ đọng nước tiểu…

Nhiễm trùng đường tiểu làm tăng tỷ lệ sinh non, thai chậm tăng trưởng, thai lưu… đối với mẹ thì có thể gây nên những tổn thương khó phục hồi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên cũng cần theo dõi rất kỹ.

Dễ bị hơn: nhiễm nấm

Khoảng thời gian mang thai là lúc người phụ nữ dễ bị nhiễm nấm hơn bất kỳ lúc nào khác trong đời; lý do là bởi khi này, chế độ ăn uống thay đổi, lượng hormone trong cơ thể thay đổi, độ pH ở môi trường âm đạo cũng thay đổi khiến đây trở thành môi trường ưa thích của các loại nấm. Tuy so với các bệnh kể trên, nấm âm đạo có thể không gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và bé nhưng chắc chắn có gây ngứa ngáy khó chịu nên khi phát hiện bị, bạn hãy đi khám bác sỹ để được điều trị dứt điểm.

Dễ bị hơn: sỏi mật

Sự thay đổi lượng hormone khi mang thai làm tăng lượng cholesterol trong dịch tiêu hóa (mật), ngoài ra còn có thể làm giãn các túi mật, khiến cho quá trình lưu thông mật chậm lại, dẫn đến sỏi mật hình thành. Để phòng ngừa tình trạng này, các chuyên gia khuyên chúng ta lưu ý đến chế độ luyện tập và ăn uống, giảm tinh bột-đường, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ; nếu chẳng may đã bị thì chú ý tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ.

Dễ bị hơn: huyết khối tĩnh mạch sâu

Nguy cơ bị tình trạng này tăng cao trong thai kỳ và trong 6 tuần sau sinh, do sự thay đổi của hormone, lượng máu và mạch máu xảy ra trong thai kỳ khiến hình thành nên những cục máu đông. Những cục máu đông này xuất hiện nhiều nhất ở chân, gây đau và sưng; nguy hiểm hơn, những cục máu này có thể vỡ ra và di chuyển đến tim, phổi, não, đe dọa đến tính mạng.

Các mẹ bầu hãy lưu ý uống nhiều nước, tránh ngồi lâu và vắt chéo chân hoặc làm bất cứ việc gì khác khiến chân của bạn bị cấn, đè, tránh mặc quần áo chật… Khi nghi ngờ đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu, hãy đi khám và điều trị ngay nhé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn