Ba tháng cuối thai kỳ là “tổng hòa của những mâu thuẫn”. Bạn tăng tốc cho giai đoạn về đích của thai kỳ nhưng lại quá mệt. Bạn khát nước nhưng lại thường xuyên phải vào nhà vệ sinh. Hãy nuông chiều bản thân – cả tâm trí nữa – theo cách thật nhẹ nhàng. Đây là những thay đổi bạn có thể gặp và cách để chăm sóc cho chính mình trong “tam cá nguyệt” quyết định của thai kỳ.





1. Mệt mỏi tăng dần

Không chỉ tải trọng cơ thể của bạn tăng từ 10-15kg (có khi còn hơn), mà tử cung đang nở lớn của bạn cũng khiến cho các cơ quan trong cơ thể phải sắp xếp lại, khiến bạn càng thêm căng thẳng. Bạn có thể sẽ cảm thấy suy kiệt một chút, nhưng bạn cũng muốn giữ được năng lượng của mình, vậy đây là những giải pháp cho bạn:

- Tập các bài tập thể dục nhỏ. Đi bộ quanh nhà là một cách; bơi lội hay yoga cho bà bầu cũng là lựa chọn tốt; nhưng hãy chắc rằng bạn luôn lắng nghe cơ thể mình, nếu bạn thấy nhanh mệt, hãy giảm cường độ xuống. Nếu bạn thấy quá mệt, đơn giản là cứ ngồi yên.

- Nghỉ ngắn trong lúc làm việc. Hãy kê cao chân và nếu có thế, hãy chợp mắt vài phút.

- Ăn ít một, chia làm nhiều bữa và ăn vặt (nhưng đủ chất). Thai phụ đi làm nên dự trữ một ít đồ ăn vặt tại nơi làm việc.

- Nếu bạn cảm thấy mức năng lượng của bạn vẫn quá thấp, hãy đến thăm khám bác sĩ vì bạn có thể bị thiếu máu và cần bổ sung sắt.

2. Đau lưng

Chiếc bụng lớn có thể phá tướng của bạn, và nội tiết tố relaxin có tác dụng làm lỏng gân khớp để phục vụ cho quá trình sinh nở, cộng hưởng làm tăng căng thẳng cho cơ thể của bạn. Có vài cách giúp bạn đánh lừa trọng lực và làm dịu các cơn đau:

- Bài tập đẩy hông: Quỳ gối và chống cả hai tay xuống sàn, đẩy người bạn tới lui trong khi giữ lưng thẳng.

- Sử dụng đai đỡ bụng dưới và quần đặc biệt cho thai phụ.

- Khi ngủ, sử dụng thêm đệm hoặc gối đỡ bụng và lưng. Nếu bạn nằm ngủ nghiêng, chèn thêm gối vào giữa hai chân để tạo cân bằng cho hông. Đầu tư thêm gối chuyên dụng cho bà bầu không phải là quá xa xỉ, nhất là khi đệm nằm của bạn không khiến bạn thoải mái.

- Đề nghị mọi người xung quanh giúp đỡ và đừng ngại nhận lời nếu ai đó đề nghị giúp bạn mang vác thứ gì đó.

3. Tiểu tiện thường xuyên & “són tiểu”

Tử cung của bạn ép lên bàng quang nặng nề nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ, điều này có nghĩa là bạn sẽ phải đi thăm nhà vệ sinh nhiều hơn hẳn trước đây. Điều này thực sự phiền toái nhiều hơn bạn nghĩ, tình trạng khó kiểm soát tiểu tiện (gọi nôm na là “són tiểu”) được ghi nhận ở hơn 40% thai phụ mang thai lần đầu. Cố gắng đặt ra ra thói quen đi tiểu theo giờ (mỗi 1-2 giờ), dù có thể lúc đó bạn chưa thực sự cần đi. Sau một tuần hoặc hơn, kéo dài quãng thời gian giữa những lần tiểu tiện lên 3 giờ. Một điều cũng rất quan trọng là bạn cần uống đủ 8 ly nước (khoảng 250ml / ly) mỗi ngày để giữ nước và ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ để ngăn ngừa táo bón. Bạn cũng nên tránh thức uống chứa cafein, tác dụng lợi tiểu của chất này có thể khiến tình trạng “són tiểu” trầm trọng hơn.

4. Ợ nóng

Gần một nửa số thai phụ có biểu hiện ợ nóng. Do các nội tiết tố lưu chuyển khắp cơ thể bạn trong suốt thai kỳ, cơ phía trên bao tử – có nhiệm vụ ngăn chặn axit tiêu hóa bị đẩy lên thực quản – nới lỏng ra, khiến các chất dịch trào ngược trở lại. Hơn nữa, hiện tử cung của bạn đã chiếm gần hết khoang bụng và đẩy bao tử lên cao hơn về phía cổ, do vậy càng làm tăng thêm chứng ợ hơi. Làm thế nào để ứng phó với điều này? Hãy thử một vài gợi ý sau:

- Xác định rõ loại thực phẩm gây ra chứng ợ nóng của mình, thông thường là các thực phẩm giàu chất béo hoặc axit, sữa và các chế phẩm sữa đôi khi cũng là nguyên nhân làm tăng ợ nóng.

- Chia 3 bữa ăn chính thành 6 bữa nhỏ cho dễ ăn, ngồi thẳng khi ăn và tránh đi nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn quá gần giờ đi ngủ.

- Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhưng thường thì các thuốc kháng axit có ích bạn để ứng phó với chứng ợ nóng khi mang thai.

5. Sưng phù chân & giãn tĩnh mạch

Phù chân và bàn chân, cùng với chứng giãn tĩnh mạch do chất lỏng tập trung ở nửa dưới cơ thể. Trong giai đoạn mang thai các van mạch máu trở nên mềm hơn, khiến cho máu dồn ứ gây sưng đau, đó là tình trạng giãn tĩnh mạch. Cả khi những vết sưng mất đi, một số tĩnh mạch bị giãn sẽ vẫn còn đó và có thể phải nhờ đến phẫu thuật để loại bỏ. Để làm dịu cả hai tình trạng khó chịu này:

- Thường xuyên đặt cao chân, chuyển tư thế giữa đứng và ngồi, và không bao giờ bắt chéo chân. Tranh thủ nằm nghỉ khi có thế, tốt hơn là nên nằm nghiêng.

- Mang tất (vớ) chuyên biệt để phòng tránh và điều trị giãn tĩnh mạch chân.

- Không nên hạn chế lượng nước uống vào với mong muốn giảm thiểu sưng phù, cơ thể bạn sẽ càng tích nước nhiều hơn.

- Ngâm bồn: một số nghiên cứu chỉ ra rằng áp lực nước lên bàn chân có thể giúp bạn thấy dễ chịu hơn.

6. Co thắt giả (dọa sinh)

Ở tháng thứ tám hoặc chín, bạn có thể cảm thấy các cơn gò Braxton-Hicks, tương tự như sự khởi động chuẩn bị cho quá trình sinh nở thực sự của bạn. Làm thế nào để phân biệt giữa dọa sinh và chuyển dạ? Những cơn co thắt giả có xu hướng bắt đầu từ phần bụng trước, cơn co chuyển dạ bắt đầu từ phía sau và lan vòng lên phía trước, thỉnh thoảng di chuyển từ trên xuống dưới. Cơn cơ chuyển dạ cũng tăng nếu bạn di chuyển vị trí, vì vậy thử di chuyển xung quanh để xác định lúc nào đến vào viện. Nếu bạn vẫn không thể biết có phải là cơn chuyển dạ hay không, tốt nhất là đến bác sĩ.

7. Những giấc mơ đáng sợ

Nhiều bà mẹ tương lai cho biết mình trải qua những giấc mơ đêm kỳ lạ về việc sinh nở. Bạn nhớ những giấc mơ nhiều hơn vì trong “tam cá nguyệt” này, bạn thức dậy giữa đêm nhiều hơn (để đi vệ sinh hay do em bé đạp trong bụng). Một số giấc mơ thường gặp ở các thai phụ trong giai đoạn cuối thai kỳ là:

- Sợ mất con
– Đau đẻ
– Trở thành một người mẹ không tốt
– Mất kiểm soát bản thân

Một vài hình ảnh trong giấc mơ có thể khiến bạn lo lắng, nhưng chúng hoàn toàn bình thường. Giấc mơ là sự tái hiện những gì bạn thấy sợ hãi và lo âu. Đừng căng thẳng vì những cảm xúc kỳ lạ này – hãy nói chuyện với bạn đời hoặc bạn thân để giải tỏa lo lắng. Chúng đơn giản chỉ là một cách thể hiện tâm trí khác với những thay đổi lớn mà bạn sắp đối mặt.
Kết luận
Khi bé yêu sắp ra đời, cơ thể bạn trải qua những thay đổi lớn nhất trong suốt thai kỳ. Đây là giai đoạn đầy xúc cảm, khi bạn chuẩn bị cho một thành viên mới của gia đình mình. Đừng quá gắng sức, hãy tập trung chăm sóc cho bản thân, nghỉ ngơi thật nhiều và chia sẻ âu lo với những người thân thiết, và cả bác sĩ của bạn nữa.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn