Khi mang thai, bạn phát hiện ra mình gặp phải khá nhiều hiện tượng và triệu chứng đau chưa từng gặp trước đây. Và đau dây chằng tròn vùng chậu là một trong những triệu chứng đó.






Đau dây chằng tròn là gì?

Các dây chằng tròn bao quanh tử cung trong khung xương chậu. Do tử cung của bạn phát triển trong thời gian mang thai, các dây chằng phải căng ra và dày lên để thích ứng và nâng đỡ tử cung. Những thay đổi này đôi khi có thể gây đau ở một hoặc cả hai bên bụng của bạn, thường được nhận thấy trong 3 tháng giữa của thai kỳ.

Đau dây chằng tròn là cảm giác đau như bị bóp chặt, đau nhói như dao đâm hoặc kim đâm khi bạn đột nhiên thay đổi vị trí , như khi vừa ra khỏi giường, đứng lên khỏi ghế ngồi, khi ho, lăn trên giường hay khi bước ra khỏi bồn tắm. Bạn cũng có thể cảm thấy đau âm ỉ sau một ngày hoạt động cụ thể như khi bạn đã đi bộ rất nhiều hoặc làm một số công việc tay chân khác .

Bạn có thể cảm thấy đau đớn bắt đầu từ sâu bên trong bẹn, di chuyển lên trên và ra phía ngoài hai bên đầu hông. Cơn đau nằm ở bên trong cơ thể, nhưng nếu bạn nhận thấy cơn đau trên da, đó có thể là do vết hằn từ đồ lót hoặc đồ bơi lên làn da nhạy cảm của bà bầu.

Khi nào tôi nên đi khám?

Cảm giác đau nhói, bị dao đâm của đau dây chằng sẽ chỉ kéo dài vài giây khi bạn thay đổi vị trí hoặc khi vừa thức dậy. Trong khi đau dây chằng là một cảm giác khó chịu phổ biến của thai kỳ, đau bụng lại có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng trong sản khoa như sinh non, tiền sản giật, nhau bong non hay một vấn đề y tế hoàn toàn không liên quan đến mang thai, như viêm ruột thừa.

Đừng ngần ngại đi khám bất cứ lúc nào khi bạn thấy đau bụng hoặc cơn đau tiếp tục sau cơn đau ngắn hoặc có kèm theo một trong những biểu hiện sau:

- Đau dữ dội hoặc bị chuột rút hoặc có nhiều hơn bốn cơn co trong một giờ (ngay cả khi các cơn co bóp không gây đau);

- Đau lưng , đặc biệt là nếu bạn không có triệu chứng đau lưng trước đó, hoặc tăng áp lực ở vùng xương chậu (cảm giác rằng thai nhi đang tụt xuống);

- Chảy máu âm đạo, thấy đốm máu ở đáy quần lót hoặc thay đổi về dịch tiết âm đạo;

- Sốt, ớn lạnh, ngất hoặc buồn nôn và nôn;

- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Tôi có thể làm gì để giảm bớt sự khó chịu ?

Nếu bạn đã được trấn an bởi bác sĩ rằng những triệu chứng bạn đang cảm thấy là đau dây chằng, hãy ngồi xuống và cố gắng thư giãn khi các cơn đau bắt đầu. Nghỉ ngơi thoải mái sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng này. Bạn cũng có thể thử gập đầu gối của bạn về phía bụng để giảm đau hoặc cố gắng nằm nghiêng với một chiếc gối đỡ dưới bụng và một chiếc gối khác giữa hai chân của bạn. Ngâm người trong bồn tắm nước nóng cũng là giải pháp tốt.

Nếu bạn thấy mình có nguy cơ bị đau dây chằng khi có những vận động đặc biệt, hãy thử giảm bớt các hoạt động đó lại xem có giảm đau không. Sau đó, khi bạn cảm thấy tốt hơn, bạn có thể dần dần tăng hoạt động cho đến khi nào bạn thấy thoải mái nhất.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn