Liệu phụ nữ mang thai có nên uống rượu hay không? Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ uống rượu khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng động kinh ở trẻ em.






Bằng những nghiên cứu thực tế, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh được rằng có một mối liên hệ giữa căn bệnh động kinh ở trẻ em với loại chất kích thích này.
Trong số 425 trường hợp mắc chứng rối loạn thai nhi vì rượu (FASD) ở độ tuổi từ 2 đến 49 được đem ra kiểm chứng thì có dưới 1% đang có nguy cơ nhiễm bệnh, 6% đã mắc bệnh và 12% khác đã trải qua 1 cơn động kinh ít nhất là 1lần trong đời.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queens (Canada) cho rằng, khi thai phụ uống rượu, chất cồn đó sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận của não đang trong quá trình phát triển và sẽ dẫn đến động kinh sau này. Cứ 100 trẻ sơ sinh thì có 1 bé bị bệnh bẩm sinh do mẹ uống rượu trong khi mang thai.
Bác sĩ Dan Savage, chuyên khoa thần kinh học thuộc Đại học New Mexico cho biết: “Báo cáo lần này đem đến cho chúng ta một bằng chứng rõ ràng hơn, góp phần chứng minh rằng bà mẹ uống rượu khi mang thai sẽ gây ảnh hưỏng lâu dài lên sức khoẻ của đứa trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng về thần kinh. Do đó, các nhà khoa học trên thế giới đều nhất trí rằng, các bà bầu nên kiêng rượu trong suốt thai kỳ. Đây là một phương pháp chăm sóc an toàn cho cả mẹ và bé”.
Các nghiên cứu trước đó còn cho thấy, chứng FASD là nguyên nhân gây ra rối loạn thần kinh, hiếu động thái quá và thiểu năng ở trẻ nhỏ. Không những thế, những em bé này khi lớn lên sẽ có nguy cơ nghiện rượu, thậm chí nghiện ma tuý, hoặc trầm cảm rất cao.
Trước những tác hại đáng báo động trên, Bộ Y tế Canada khuyến cáo các thai phụ không nên uống nhiều hơn 1 đến 2 cốc rượu 1 lần hay 2 lần/tuần.
Theo Viện Nghiên cứu Sức khoẻ và Y tế Quốc gia, phụ nữ mang thai nên tuyệt đối kiêng rượu trong 3 tháng đầu tiên để tránh bị sẩy thai ngoài ý muốn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn