Khi mang thai, có một số bệnh từ mẹ bầu có thể lây sang bé yêu. Vì vậy, thai phụ cần nắm rõ những bệnh nào có nguy cơ lây nhiễm cho con trong suốt thai kỳ để có kế hoạch phòng ngừa tốt nhất.






Chúng tôi sẽ điểm mặt một số bệnh mẹ bầu có thể lây sang con trong thai kỳ, lúc sinh và ngay sau sinh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Viên gan siêu vi B

Nếu mẹ bầu mang thai bị nhiễm virus viêm gan B thì có thể truyền sang bào thai. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60-70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành. Khi bị lây truyền từ mẹ, trẻ thường ít có triệu chứng. Gan lách trẻ có thể to, có tổn thương và dễ chảy máu. Nếu bị nặng có thể tử vong. Vì vậy, nếu không bị nhiễm và dự định mang thai thì cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Nếu mẹ đã bị nhiễm thì trẻ sẽ được phòng ngừa bằng globulin miễn dịch và vacxin sau khi sinh.

Rubella

Đây được xem là bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong 12 tuần đầu thai kỳ vì có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi và nguy cơ đẻ ra những trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với các biến chứng nặng nề như bại não, tổn thương tim, mù mắt...

Thời gian 12 tuần đầu thai kỳ là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm Rubella ở người mẹ, virut Rubella từ máu của mẹ chuyển qua rau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Virut này có khả năng phá hủy hay làm chậm sự phát triển của phôi thai và đây là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh, tỷ lệ con bị hội chứng Rubella bẩm sinh rất thay đổi: 80% khi thai dưới 12 tuần, 54% khi thai được 13 - 14 tuần, 35% ở tuổi thai 13 - 16 tuần, 10% khi thai 16 tuần và sau 20 tuần thì tỷ lệ này không đáng kể.

Trong trường hợp mẹ nhiễm Rubella trước tuần thứ 18, sự lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể được khẳng định hoặc loại trừ bằng cách định lượng IgM máu cuống rốn sau tuần lễ thứ 22. Nếu IgM dương tính sẽ khẳng định trẻ nhiễm Rubella với độ chính xác 94%, nếu IgM âm tính sẽ loại trừ trẻ nhiễm Rubella với độ chính xác 82%.

Để phòng ngừa, sau những mũi tiêm đầu lúc còn trẻ (nếu mẹ đã tiêm ngừa) thì trước khi có ý định mang thai, tốt nhất nên tiêm nhắc lại một mũi. Thời điểm tiêm phòng ít nhất là 1 tháng, tốt nhất trước khi dự kiến có thai khoảng 3 - 4 tháng, đây là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh.

Bệnh lậu

Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh do Neisseria gonorrhoeae gây ra, đó là một loại vi khuẩn có thể phát triển và sinh sôi dễ dàng ở nơi ấm, ẩm của đường sinh dục, bao gồm cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng ở phụ nữ và ở niệu đạo cả nam và nữ. Vi khuẩn cũng có thể phát triển trong miệng, họng, mắt và hậu môn.

Nếu mẹ bầu bị nhiễm bệnh lậu, thì cô ta có thể lây nhiễm cho con cô ta trong quá trình sanh ngã âm đạo. Em bé sanh ra có thể bị mù, nhiễm trùng khớp hoặc nhiễm trùng máu. Điều trị lậu càng sớm cho thai phụ càng giảm nguy cơ bị các biến chứng này.Các bác sĩ sản khoa thường khuyên phụ nữ có bệnh lậu nên điều trị lành rồi hãy mang thai.

Bệnh mụn rộp sinh dục

Là bệnh nhiễm trùng đường sinh dục do Virus Serpes simplex (HSV) gây ra. Nguyên nhân gây bệnh là do virus lây truyền trực tiếp vào cơ thể qua những lỗ hổng trên da (bị trầy xước) hoặc có thể lan truyền do tiếp xúc với những bộ phận khác trong cơ thể đặc biệt là ngón tay và mắt.

Nếu mẹ bị nhiễm HSV trong khi mang thai thì có thể gây biến chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh như viêm màng não, viêm phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây mù, điếc, động kinh,… thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ. Trẻ bị bệnh này có triệu chứng ngủ lơ mơ suốt ngày, hay quấy khóc, bú kém, tiêu chảy, khó thở và có thể lên cơn co giật…

Bệnh do Chlamydia

Là bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh thường tiềm ẩn trong người mẹ mà hầu như không có triệu chứng gì trong khoảng ba tuần đầu. Thai phụ có thể nhận biết bệnh qua biểu hiện bệnh của chồng để khám và điều trị sớm. Chlamydia có thể được điều trị bằng kháng sinh an toàn cho thai phụ. Nếu bị lây nhiễm, bé sẽ bị viêm kết mạc mắt hoặc viêm phổi. Tuy nhiên, sau khi bé ra đời, bác sĩ sẽ cho nhỏ thuốc kháng sinh dự phòng.

Giang mai

Mẹ bị nhiễm giang mai có thể lây truyền qua nhau thai khiến trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh với những di chứng nặng nề. Thai nhi có thể chết trong tử cung hoặc sau khi sinh hoặc bị những biến chứng về xương, về mắt, khớp hay nội tạng nếu được sinh ra. Nhưng điều đáng mừng là bệnh giang mai hiện hầu như đã được giải quyết, rất hiếm gặp. Điều cần lưu ý là thai phụ cần đi khám thai sớm, tránh chủ quan vì nếu để đến tháng thứ năm, xoắn khuẩn giang mai có thể vượt qua hàng rào nhau máu và lây nhiễm cho trẻ.

HIV

Mẹ bầu cần biết là trẻ có thể nhiễm HIV từ mẹ trong quá trình mang thai, quá trình sinh và qua việc bú sữa mẹ. Khi bị nhiễm HIV từ mẹ, nếu nhẹ, trẻ sẽ bị tổn thương ở não, tim, thận, bị viêm phổi; nặng hơn là hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy giảm trầm trọng, không chống đỡ được tình trạng nhiễm khuẩn; không tăng cân, hay bị đau họng hoặc viêm phổi, sưng hạch, gan to, tiêu chảy… Hầu hết trẻ bị nhiễm khó sống được quá ba tuổi. Khi bị nhiễm HIV, thai phụ cần hợp tác với đơn vị chăm sóc và điều trị để được điều trị dự phòng lây nhiễm cho con trong khi mang thai, khi sinh và sau sinh. Mẹ nhiễm HIV, nếu có điều kiện thì nên sinh mổ (dù không có chỉ định sản khoa khác) và không cho con bú sữa mẹ. Trước đây, tỷ lệ lây từ mẹ sang con lên đến 30%. Hiện nay cùng với việc có nhiều phương pháp dự phòng tốt, tỷ lệ lây nhiễm giảm còn khoảng 10%.

Như vậy, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh trên, điều quan trọng nhất là thai phụ cần dự phòng lây nhiễm cho bản thân, tiêm chủng trước khi mang thai đối với những bệnh có vắc-xin phòng ngừa, vệ sinh cá nhân tốt, quan hệ tình dục an toàn và phát hiện bệnh sớm.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn