Có đến 80% sản phụ trải qua chứng rối loạn tâm lý sau sinh. Nhẹ thì tâm trạng thay đổi bất thường, nặng thì trầm cảm (chiếm 10% - 15% sản phụ).






Sinh con đầu lòng xong, cô bạn tôi ở cữ ngay tại nhà riêng của hai vợ chồng, nhưng có má chồng chăm sóc do nhà ông bà ở gần nhà cô ấy, còn cha mẹ cô ấy ở xa. Bà má chồng vốn là người vô tư, vì hàng ngày bà còn phải trông một đứa cháu ngoại nữa nên mỗi khi sang chăm con dâu mới sinh, bà thường mang cháu theo. Thằng bé rất hiếu động, chạy nhảy không ngừng, leo trèo hết chỗ này đến chỗ khác và không ít lần làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà. Đã thế, bé còn rất hay nói lớn, khóc rất to và nhõng nhẽo không ai dỗ được. Cô bạn kể: “Những ngày đầu mới sinh, thề với lòng, nhiều lúc em chỉ muốn bà mau chóng về để có thể chợp mắt nghỉ ngơi đôi chút. Đêm không được ngủ vì chăm con, ban ngày đầu em cứ căng như dây đàn vì ồn ào. Mỗi lần chợp mắt, người em như chìm đi, tưởng không thể mở mắt nữa, nhưng lại giật mình thon thót vì tiếng của thằng cháu”...

Mẹ chồng cô thích chăm cháu kiểu cũ: một mực bắt cô ấy phải xông hơ để chỗ kín mau lành và bụng sớm thon gọn. Còn bé mới sinh, bà cũng dùng lá trầu hơ vào lửa rồi úp vào mắt, vào thóp và phía trên chỗ kín của bé, theo ý bà để mắt bé đỡ sưng mọng và chỗ kín được đẹp. Cũng để mắt đỡ sưng, bà hơ nóng trái chanh, bỏ vào khăn sữa bắt con dâu chườm mắt. Mỗi sáng, việc đầu tiên bà sang nhà con dâu là đốt bếp than (than củi bà mua sẵn ở chợ), rồi thực hiện công đoạn xông hơ mất cả tiếng đồng hồ. Sau đó là xông bằng nồi nước lá, bà mẹ trẻ phải xông nước lá tròn một tháng. “Em thương bà cứ tất bật thổi bếp than, đun nồi nước lá, khệ nệ bê lên lầu cho con dâu, rồi phải vừa làm vừa trông cháu nghịch phá; nhưng quả thật em không thể nào tiếp nhận được kiểu chăm sóc bà đẻ như thế này”, cô bạn tôi tâm sự. Mỗi bữa ăn, cô rùng mình khi nhìn thấy tô canh giò heo nhạt nhẽo, thịt rang với gừng và nghệ và mẹ chồng ngồi bên lom lom nhìn con dâu ăn hết khẩu phần. Nếu không ăn hết, bà phật ý, im lặng suốt buổi. Dù con dâu nói gì, bà cũng không từ bỏ những kiểu chăm sóc truyền thống này, nếu con dâu từ chối là bà buồn giận, méc con trai. Con của cô ấy lại là cháu nội đầu, cháu gái nữa nên bà cưng lắm, vì bà có 2 cháu trai rồi. Bà muốn chăm sóc cháu theo ý bà, chứ không màng đến cảm xúc của con dâu.
Stress sau sinh (trầm cảm) là một bệnh lý hết sức nguy hiểm với các mẹ sữa (Ảnh: Internet)

Có giai đoạn, bà mẹ trẻ sợ luôn cả tiếng bà, tiếng mở cửa lạch cạnh, tiếng bước chân của bà lên cầu thang, tiếng đứa cháu gào lên dưới nhà. Đầu óc cô ong ong. Phòng vốn kín gió, lại không được mở quạt, không khí trong phòng cứ luẩn quẩn mùi than, “có lúc em bức bối đến mức chỉ muốn nhắm mắt lại và không bao giờ mở ra nữa, không bao giờ phải nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng chân chúng chạy lịch bịch và nhảy cái đùng lên giường, mùi mồ hôi nồng nồng chưa tắm của chúng, tiếng mẹ chồng đều đều bên tai dạy cách các cụ ngày xưa kiêng cữ sau sinh”…

Khổ nỗi, cô ấy không chia sẻ được với chồng, vì một phần không muốn chồng phải suy nghĩ. Tệ hại hơn, cô ấy cho rằng mình quá khó chịu khi có những suy nghĩ tệ này và cô nhận lỗi về mình. Từ đó, người mẹ trẻ quay sang sợ đứa con mình dứt ruột sinh ra: sợ tiếng con khóc, sợ lúc con tỉnh dậy, sợ cả khi con bú. Cô ấy cảm thấy vì sinh linh bé nhỏ này mà mình trở nên tù túng và phải chịu đựng biết bao nhiêu khổ sở khác hẳn với điều tôi tưởng tượng trước khi sinh con. “Hóa ra, khi có con, không phải là tôi sẽ được nhìn ngắm thiên thần bé bỏng, cho con bú dòng sữa lành, ru con ngủ và chơi cùng con. Em mệt mỏi và căng thẳng đến độ có khi cả tiếng đồng hồ em nhìn con em và thầm cầu nguyện: con đừng tỉnh giấc”.

“Có lúc, em chỉ muốn đi thật xa, thật xa… Có lúc, em dỗ con ngủ mà con khóc hoài, em đã tức giận rung lắc con thật mạnh, con bé nín tịt, đến khi mẹ dừng lại nó mới cất tiếng khóc ngất. Em cũng đã từng giấu túi nilon trong phòng, chờ mẹ chồng khuất mặt là trút toàn bộ khẩu phần của mình vào túi và giấu dưới chăn, chờ bà về thì đem bỏ thùng rác. Có lúc, em mở cho con nghe những lời hát ru, rồi em nằm khóc ướt gối. Em không hiểu vì sao mình lại như vậy, như một người điên. Em cảm thấy như thể mình đang bị mất mát một thứ gi đó rất lớn, mà lại không hiểu đó là cái gì và làm sao để thoát ra khỏi tình trạng khổ sở này… giai đoạn ấy kéo dài đến tháng thứ 4, và chỉ kết thúc khi em kiên quyết gửi con cho bà và trở lại với công việc”. Lúc đó, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, được làm việc để cảm thấy mình tự do và hữu ích, bỗng dưng cô thấy tinh thần phấn chấn, cở mở hơn với gia đình, và yêu thương con hơn.

Sau này nghĩ lại, cô ấy nghĩ mình đã rất may mắn khi vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Cô ấy bảo: May mắn là em chưa làm gì hại đến con, và thầm mong con gái không bị ảnh hưởng gì khi bị mẹ lắc mạnh. “May mắn là em chưa lao đầu vào tường hay nhảy xuống đất từ sân thượng, chị ạ”.

“Em cũng không xác định được, sau này khi có bé thứ hai, em có bị rơi vào tình trạng này không và làm thể náo để tránh đi vào vết xe đổ?”, cô nói. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, một người mẹ bản lĩnh và đã từng suy sụp như cô ấy, có thể lấy lại cân bằng cho chính mình thì chắc chắn sẽ là một người mẹ tốt.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn