Tiết kiệm và sử dụng tiền bạc thông minh là một bài học quý giá mà bố mẹ có thể bắt đầu dạy con từ tuổi tập đi. Một chuyến đi cùng bố mẹ đến ngân hàng, hay ra máy ATM có thể cách dẫn nhập tốt để bắt đầu những bài học này






Bé 2 – 3 tuổi
Giữa một đồng xu, tờ tiền hay miếng xốp đồ chơi, bé sẽ chọn thứ nào mình thấy lý thú nhất, không phải vì mệnh giá mà vì tiếng leng keng, âm thanh sột soạt của polyme hay màu sắc của mảnh đồ chơi. Nhưng ngay cả khi bé chưa thể hiểu hết giá trị của tiền, bố mẹ đã có thể giúp con nhận biết các loại tiền khác nhau. Để làm được điều này, chỉ cần tổ chức một trò chơi nhỏ để bé tập nhận biết hình dạng các loại tờ tiền, đồng xu khác nhau. Chỉ một lưu ý nhỏ cho các bậc phụ huynh: Các bé rất thích gặm và nuốt đồng xu, vì vậy, cần dõi theo con cẩn thận khi chơi những trò chơi có dùng đồng xu nhé.
Bé cũng rất thích chơi trò bán hàng, và đây là một cách thật tuyệt vời để dạy con học về tiền bạc.


Bé 4 -5 tuổi


Trước khi đi mua sắm, mẹ có thể nhờ bé giúp cắt các phiếu ưu đãi, cầm phiếu quà tặng… Bằng cách này, bé cảm thấy như mình đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mua đồ đạc. Nếu người bán hàng mang ra món hàng có sử dụng đến phiếu ưu đãi hay quà tặng, bố mẹ hãy yêu cầu bé nhìn vào món hàng đó. Bằng một cách sơ khai, bé bắt đầu biết đến những cách mua hàng khác nhau, có thể sử dụng tiền mặt, thẻ hoặc phiếu mua hàng… Đây cũng là cách để khơi gợi những ý tưởng về cách tiết kiệm tiền bạc trong tương lai.
Bé 5 – 6 tuổi
Ngay khi nhận được sự đồng ý của bố mẹ, bé đã rât hào hứng được chọn một nơi để cất trữ tiền tiết kiệm. Đó có thể là một ống heo, hoặc một tài khoản ở “ngân hàng” bố mẹ. Ở tuổi này, bé đã có thể tự quản lý được một số tiền nho nhỏ. Với vai trò người giúp quản lý tiền bạc của con, bố mẹ nên khuyến khích bé tích trữ thường xuyên, đều đặn. Một hoạt động thú vị khác dành cho các bé ở độ tuổi này là trò sưu tập tiền.


Bé 6 đến 12 tuổi


Đây là tuổi hoàn toàn thích hợp để dạy con học về giá trị của tiền bạc. Hoạt động thích hợp nhất là mua sắm đồ dùng cho gia đình. Đừng ngại khi mang con theo cùng trong những lần mua sắm. Mỗi tuần, bố mẹ có thể tập trung vào một nhóm sản phẩm nào đó: Khăn giấy, thịt gà, bánh mì… và thử cùng bé làm một phép so sánh giá cả của các thương hiệu và cửa hàng khác nhau, đồng thời đưa ra kết luận cuối cùng về loại sản phẩm thích hợp nhất với gia đình mình. Không chỉ là những bài học về tiền bạc sống động nhất, việc cùng mua sắm với bố mẹ còn giúp cho bé cảm thấy mình có ích, là một phần không thể thiếu khi đưa ra các quyết định của gia đình. Nó giúp cho bé hình thành tinh thần trách nhiệm.




Như mọi tính cách khác, tiết kiệm và trân trọng tiền bạc là một bài học cần được thực hiện rất lâu dài



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn