Bạn cảm thấy trẻ luôn tỏ ra nhút nhát, nhưng lại có lúc thật bướng bỉnh, hung hăng? Đây là những biểu hiện thường thấy và chính là tính “hai mặt” ở trẻ.





Tính “hai mặt” là gì?
Trí năng giao tiếp xã hội của trẻ có biểu hiện khác nhau theo sự phát triển của tâm lý. Dưới 1 tuổi là thời kỳ sơ khai của trí lực lẫn hành vi, trẻ luôn khao khát tìm tòi đối mọi sự vật xung quanh. Lúc này, trẻ tự nguyện được giao tiếp, ngay cả với người lạ. Sau 1 tuổi, năng lực giao tiếp sẽ có sự “thoái trào”. Trẻ gần như trầm xuống, không muốn tiếp xúc nhiều với người lạ, im lặng và khó thích nghi trong môi trường mới. Sự thay đổi này cho thấy, trẻ đã trưởng thành, mức độ nhận thức thành thục hơn. Khả năng tự ý thức giúp trẻ phân biệt được giữa mình và người khác.

Nhiều phụ huynh cho rằng, cùng với sự lớn lên theo tuổi tác và không ngừng tiếp xúc với xã hội, thì tình trạng “trầm lặng” của trẻ sẽ thay đổi. Tuy nhiên, nếu người lớn không ý thức để có sự dẫn dắt điều chỉnh phù hợp, thì tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp và khiến cho năng lực giao tiếp xã hội của trẻ kém đi.
Tại sao trẻ có tính “hai mặt”?
Khi không muốn giao lưu với người khác, trẻ còn có những biểu hiện khác như không muốn đi nhà trẻ, tự ý thức quá mạnh dẫn đến tâm lý tự tư, bướng bỉnh. Tính cách hai mặt này ở trẻ chủ yếu có liên quan đến môi trường gia đình. Trẻ là con một, thường được quá bao bọc, ít có cơ hội chơi đùa với những bạn nhỏ khác. Do vậy, hoạt động và tự do của trẻ bị hạn chế, khiến cho những kỹ năng tự phục vụ không phát triển tốt. Ngoài ra, được nuông chiều và đáp ứng mọi yêu cầu sẽ khiến trẻ ngày càng xem mình là trung tâm, không thích chơi và luôn gây gổ với bạn bè. Đó đều là những biểu hiện của năng lực giao tiếp kém cỏi.
Cải thiện tính này cho trẻ
Giai đoạn tốt nhất để nuôi dưỡng tính cách cho trẻ là từ 3 – 6 tuổi. Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý và dẫn dắt trẻ đúng cách. Trước tiên, cần cho trẻ một môi trường giao tiếp, như dẫn bé đến nơi có nhiều bạn nhỏ (công viên, vườn hoa…), khích lệ và hướng dẫn trẻ giao lưu, chơi hòa thuận với bạn bè cùng trang lứa. Nhà có khách, hãy ý thức cho trẻ tham gia tiếp đón. Cho trẻ tới dự những buổi họp mặt hay tiệc tùng, để học cách tiếp xúc với người lớn. Như vậy, trẻ sẽ được củng cố sự tự tin và trở nên mạnh dạn, cởi mở hơn.

Quan trọng nhất, là cho trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể, để có được sự hòa hợp. Đừng vì sợ thiếu an toàn hay phiền phức mà nhốt trẻ quanh quẩn trong nhà. Bạn cũng cần rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cơ bản như hỏi đường, đón xe buýt, mua vé v.v… Sau cùng, nên thường xuyên dạy cho trẻ cách chia sẻ, thảo luận, hợp tác với người khác. Bạn có thể khuyến khích con kể chuyện ở lớp, bạn bè, cùng trẻ thảo luận về câu chuyện vừa kể và cho bé cơ hội tham gia những công việc giản đơn như rửa chén, nhặt… Những thói quen này hoàn toàn có thể giúp ích cho việc cải thiện tâm lý nhút nhát, tự ti ở trẻ.
Lê Phương (tạp chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn