Từ 1 - 6 tuổi, trẻ rất dễ gặp ác mộng. Những cơn ác mộng thường xảy ra vào ban đêm, nhiều khi khiến trẻ thét lên và kêu gọi thành tiếng. Do đâu trẻ lại gặp tình trạng này và làm thế nào để giúp bé yêu ngon giấc?





Căn nguyên của những “giấc mơ xấu”
Giấc mơ thường “tiết lộ” sinh hoạt hằng ngày của bé. Đó là những cảm xúc như vui sướng, thất vọng, chán nản, ngờ vực hoặc lo âu, sợ hãi. Giấc mơ chính là lúc trẻ có thể điều chỉnh những căng thẳng và xác định vai trò của bản thân đối với cha mẹ, anh chị trong gia đình. Nó còn diễn tả sự ganh tỵ, cảm giác lo lắng sợ hãi khi ở một mình tại nơi nào đó, hoặc phải làm theo mệnh lệnh của thầy cô giáo trong lớp. Theo các chuyên gia tâm lý, tuy mang lại tâm trạng bất ổn nhưng những cơn ác mộng là cần thiết, bởi nó chứng tỏ sự phát triển về mặt cơ cấu tổ chức trong nhận thức của trẻ.

Vào khoảng 9 tháng tuổi, trẻ nhận thức được sự xa cách với mẹ, dẫn đến việc cảm thấy lo sợ như bị bỏ rơi. Những cảm xúc này thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ, sẽ là điều kiện giúp trẻ hiểu rõ sự việc hơn. Nhờ quá trình lặp đi lặp lại này, trẻ có thể học cách tự làm chủ và thoát khỏi nỗi lo sợ kia. Từ 2 - 4 tuổi, những cơn ác mộng thường liên quan đến sự sợ hãi, như bị một con thú hung dữ nào đó tấn công chẳng hạn. Khi ấy, bạn cần giúp trẻ thay đổi nhận thức bằng cách giải thích cho bé hiểu rằng, những con thú nguy hiểm len lỏi vào giấc mơ gây cảm thấy sợ hãi ấy không hề tồn tại trong sinh hoạt hằng ngày.
Giúp bé yêu ngủ yên giấc
Sau khi gặp ác mộng, trẻ thường muốn có người lớn bên cạnh để kể lại những gì cảm thấy sợ hãi. Điều này giúp bé cảm thấy bớt sợ hơn và muốn được trấn an bằng sự vỗ về, ôm ấp. Để tạo cảm giác an toàn cho trẻ, bạn hãy bảo con thuật lại giấc mơ khủng khiếp kia, cùng chia sẻ nỗi sợ hãi với bé. Bạn có thể theo trẻ vào phòng và lật tung các tấm màn cửa lên, cho bé nhìn xuống gầm giường để xác định là không hề có người hoặc con vật nào ở đó cả. Nếu cần, hãy để thêm một cây đèn ngủ trong phòng của trẻ.
Ở tuổi lên 3, do chưa nhận thức và phân biệt được giữa giấc mơ và thực tại, nên việc bạn tìm mọi cách để trấn an nỗi sợ hãi đôi khi là vô hiệu. Thay vào đó, hãy tìm cách giúp con “dỗ lại giấc ngủ” một cách yên tĩnh sẽ tốt hơn. Với trẻ trên 4 tuổi, bạn có thể hãy giải thích kiểu như: “Mẹ biết là giấc mơ có bà phù thủy khiến con sợ hãi. Nhưng con biết đấy, đó chỉ là một giấc mơ chứ hoàn toàn không phải thật. Khi con tỉnh dậy, nó sẽ không còn nữa. Giống như một bộ phim con thường xem, khi đã kết thúc thì bà phù thủy chỉ là một phần trong đó thôi con ạ!”.

Ngoài ra, bạn cũng nên tôn trọng những nguyên tắc để giúp trẻ ngủ ngon, như kể một câu chuyện hoặc hát một ca khúc với những lời lẽ đầy thương yêu. Thói quen này sẽ giúp trẻ chìm vào giấc ngủ êm đềm và không còn mộng mị. Nghiên cứu cho biết, việc cho trẻ uống một ly sữa đúng giờ trước khi ngủ cũng là cách giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn, vì trong sữa có chứa các acid amin - những thành phần dự phòng hỗ trợ việc ngủ ngon.
Hoàng Ly (tạp chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn