Bạn chưa thể ngay lập tức “huấn luyện” trẻ sơ sinh về việc ngủ. Tuy nhiên, những kiến thức dưới đây có thể giúp bạn giúp em bé ngủ ngon hơn.





Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu là đủ?
Một ngày, trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 18 giờ, mỗi giấc ngủ có thể kéo dài từ hai đến bốn tiếng. Trẻ chỉ thức dậy khi đói bụng và có nhu cầu được tu sữa mẹ. Thời gian ngủ và ăn của trẻ không phân biệt ngày hay đêm.
Nhưng điều đó lại trở thành “vấn đề” với nhiều bà mẹ và họ muốn đặt ra một chiếc “đồng hồ sinh học” cho con mình?
Bạn cũng có thể làm được điều này. Ban ngày, trong lúc cho bé ăn, hãy nói chuyện nhiều hơn nữa với bé. Vào ban đêm, cố giữ không khí yên ắng và vặn đèn nhỏ. Dần dần, bé sẽ quen với điều này và tập trung ngủ nhiều hơn vào ban đêm, thức nhiều hơn vào ban ngày.

Để giúp bé ngủ lâu hơn, chúng ta có nên đi nhón gót trong không gian của bé?

Không nhất thiết phải như vậy. Tuy trẻ sơ sinh không hề ưa những kiểu âm thanh hỗn loạn, quá ầm ĩ, nhưng chúng cũng không quá phiền lòng với những âm thanh bình thường ở trong phòng, cả lúc đang ngủ hoặc thức. Khi còn là bào thai trong bụng mẹ, trẻ đã làm quen với nhiều loại âm thanh (cả trong bụng mẹ và bên ngoài) liên tục 24/24 giờ mỗi ngày. Tới lúc ra đời, bé đã cảm thấy quen thuộc với những âm thanh trong sinh hoạt bình thường, giúp trẻ vui thích và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Làm thế nào dạy bé cách tự đi ngủ một mình?
Không ít người khuyên rằng, đừng nên chiều chuộng bé bằng cách ôm bé trên tay, ru hời và đung đưa cho bé ngủ. Bởi điều này sẽ khiến bé phụ thuộc nhiều vào mẹ và tạo thói quen “dính” mẹ khi muốn đi ngủ. Nhưng thực tế, không có điều gì đẹp đẽ và tuyệt vời hơn hành động này. Bé được rúc trong lòng mẹ, được ngửi mùi sữa thơm, được hưởng cảm giác ấm áp, bình yên từ cơ thể mẹ. Vì thế, bạn đừng tin người khác mà lạnh lùng với con, hãy cứ ôm và ru bé yêu ngủ thật ngon. Tuy nhiên, để bé dần học được cách “tự ru” mình, bạn cũng cần áp dụng thêm một số kinh nghiệm. Khi gần đến giờ đi ngủ của bé, bạn hãy làm theo các hướng dẫn sau: Duy trì âm thanh bình thường trong ngôi nhà (tiếng nước chảy róc rách, tiếng nhạc nhỏ, tiếng bước chân, tiếng động làm bếp…). Ôm bé yêu và đung đưa tay giúp bé đi vào giấc ngủ. Lúc bé đã ngủ rồi, vẫn đu đưa bé tới khi nào bạn muốn.
Khi có ý định đặt con nằm xuống, hãy cù nhẹ vào bé và cố gắng để bé tỉnh lại một chút (trong không gian ngôi nhà vẫn sinh hoạt bình thường với những âm thanh không quá ồn ào ảnh hưởng trực tiếp lên bé). Lúc này, bạn sẽ thấy đôi mắt của bé mở ti hí chỉ trong một vài giây, rồi sau nhắm ngay lại. Trường hợp bé tỉnh và khóc quấy, hãy cứ bế bé lên khỏi chỗ nằm, ru bé ngủ lại từ đầu. Nên nhớ, tiếp tục “đánh” thức bé nhẹ nhàng một lần nữa trước khi bạn đặt bé nằm xuống.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, mình có “điên” hay không trong việc thực hành đánh thức trẻ khi đã cố gắng ru bé say ngủ? Nhưng đây là một “bí quyết” quan trọng, tỉnh dậy trong trạng thái lơ mơ và nhanh chóng đi vào giấc ngủ trở lại là cách giúp bé dần quen với việc tự ru mình đi ngủ. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn ở bé. Miễn là đã được ăn no, người ngợm sạch sẽ và không ốm đau gì, bé sẽ tự biết đi ngủ một mình mà không cần mẹ ru nữa.
Bé có cần bú đêm?
Mọi trẻ sơ sinh đều cần những cữ bú đêm. Có bé thức dậy lúc 3 giờ sáng, có bé thức sớm hơn hoặc muộn hơn. Từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, trẻ cần nhiều cữ bú trong những tháng đầu tiên sau khi chào đời.
Bạn có thể tập cho bé bú vào những giờ nhất định để chủ động thức dậy trước bé, cho bé bú no nê hơn là việc bé dậy trước bạn, khóc quấy, gắt ngủ vì bị đói. Khi bé đã đầy bụng rồi, bạn có thể yên tâm đi ngủ cho đến cữ bú tiếp theo.
Nghe thấy tiếng ngáy của bé, nghĩa là bé đã ngủ rất sâu?
Không phải như vậy. Tiếng ngáy ở trẻ sơ sinh thường là dấu hiệu của sự ngưng thở trong khi ngủ. Điều này xảy ra khi em bé không hít đủ khí ôxy. Nếu để lâu ngày, sẽ khiến cơ thể mỏi mệt, tập trung kém, dễ gặp phải hội chứng tăng động giảm chú ý, thậm chí có hại cho não. Bạn cần để ý xem khi ngủ, bé có mở miệng ra hay không. Nếu có, điều này chứng tỏ vùng mũi của bé có vấn đề khiến bé khó thở. Khi đến khám, hãy cho bác sĩ biết điều này.

Có nên cho bé ngủ chung giường với bố mẹ?

Thực tế, việc ngủ chung giường với bố mẹ có thể khiến bé gặp nhiều nguy cơ bị ngạt thở, hoặc bị rơi từ giường xuống đất. Đắp chung chăn với người lớn, bị chăn hay gối, thậm chí là tay bố mẹ vô tình đè vào mặt cũng dễ khiến trẻ bị ngạt.
Ngoài ra, việc ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ độc lập hơn, không quá dính vào bố mẹ khi lớn hơn. Ngủ riêng trong không gian thoải mái, rộng rãi, giúp cả bé và bố mẹ có giấc ngủ sâu, dễ chịu.
Phương Linh (tạp chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn