Mô hình gia đình một con đang ngày càng phổ biến. Do được bố mẹ cưng chiều, bao bọc quá mức cùng với hoàn cảnh sống khá đơn độc, nên những đứa trẻ này dễ gặp các vấn đề về tâm lý. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ nên chú ý ứng xử sao cho phù hợp với “cục cưng” của mình.







Thần kinh không ổn định
Biểu hiện là khi không vừa ý, trẻ sẽ la lối, khóc thét lên, thậm chí giận dữ ném đồ đạc. Hành vi này có vẻ như là thói bướng bỉnh chủ quan. Nhưng thực tế, đây là hiện tượng bất ổn tâm trạng, bé đang mượn cớ để bộc phát. Khi cãi lời, trẻ rất “mạnh miệng”, nhưng một khi rời khỏi bố mẹ, lại trở nên nhút nhát, sợ sệt. Điều này khiến bé không thể phát triển một cách tự nhiên và có thể mất cân bằng tâm lý. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ “giáo dục” quá nhiều, rập khuôn quá mức khiến tinh thần trẻ bị kích thích.

Tính cách cô độc

Bé thường suốt ngày ở nhà, rất ít được giao tiếp với bạn bè và thế giới bên ngoài. Nếu có bạn đến nào đến nhà chơi, trẻ sẽ tỏ ra cực kỳ vui sướng, thậm chí còn lôi kéo và không muốn cho bạn về. Sự đơn độc trong tâm hồn bé do chính không gian sống chật hẹp tạo thành. Biểu hiện thường thấy là trẻ thích nói chuyện một mình, ngẫm nghĩ một chuyện gì đó và sau một thời gian rất lâu lại hỏi lại bố mẹ vấn đề này.
Nhút nhát và hay khóc
Hầu như, trẻ chỉ nói chuyện cùng bố mẹ và những thành viên trong nhà. Bố mẹ làm thay mọi việc khiến trẻ mất đi cơ hội lao động, ít được chơi đùa cùng bạn bè cùng trang lứa, nên dẫn đến nhút nhát, sợ khó. Khi gặp phải chuyện buồn hay không được như ý muốn, bé sẽ khóc như một cách phản kháng yếu ớt.
Dựa dẫm về thể chất lẫn tâm lý
Điều này không chỉ biểu hiện ở tính nhõng nhẽo, ỷ lại, mà còn chính là sự yếu đuối, nhu nhược. Chẳng hạn, bị bạn bè trêu đùa liền về nhà trút giận, hoặc thầy cô chỉ mới nhắc nhở việc rửa tay đã nước mắt ngắn dài. Hiện nay, cha mẹ thường xem nhẹ tầm quan trọng của việc bồi dưỡng ý chí nhẫn nại, chịu đưng vất vả, gánh vác trách nhiệm ở trẻ. Đây chính là những năng lực quan trọng giúp con người sinh tồn, nhưng các bé con một ít khi có cơ hội được học.

Tâm lý thành thục quá sớm

Đây không hẳn là khuyết điểm, vì rất nhiều tài năng đều trưởng thành sớm hơn người khác. Song, với con một thì việc này lại thiên về đặc điểm của một “ông quan nhỏ”. Do không được giao lưu tình cảm với anh chị em và bạn bè cùng lứa, chỉ giao tiếp và “học hỏi” những điều mắt thấy, tai nghe trong gia đình, nên trẻ có thể “thành thục” những điều mà một đứa bé chưa cần hiểu biết. Chẳng hạn như, sao bố lại lén lút hút thuốc, sao bố mẹ lại cãi nhau, sao mẹ lại mặc bộ quần áo hở hang thế?... Tình trạng này không hề có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
Minh Phượng (tạp chí Bầu)

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn