Trước tuổi đi học, bố mẹ thường “khai mở” trí lực cho con bằng những môn học khác nhau. Nhưng có thể, bạn đang bỏ sót một hình thức “học mà chơi” rất hữu ích đối với sự trưởng thành của trẻ, đó chính là những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên...







Nâng cao năng lực ghi nhớ
Khi nhìn những bức vẽ “phi nghệ thuật” của trẻ, có lẽ phản ứng đầu tiên của bạn là nghĩ: “Con lại nghịch bẩn nữa rồi!”. Song, nếu như tranh của trẻ hoàn toàn phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của người lớn thì không còn gì là “tưởng tượng” nữa. Tác phẩm “nghịch bẩn” mà bạn thấy không hẳn chẳng có ý nghĩa, chỉ là do trong tư duy của người lớn thiếu “khả năng” hiểu tác phẩm của con trẻ mà thôi.
Khi vẽ, trẻ đem những cảm nhận sự vật xung quanh đã lưu trong bộ não “giở ra” lần nữa. Sau đó, dùng cách thức non nớt, đơn thuần của mình để biểu đạt một cách trừu tượng. Các nhà tâm lý học còn cho rằng, tính sáng tạo của trẻ trước 5 tuổi là cao nhất, gần như có thể đánh đồng với một chuyên gia hội họa! Nội dung bức tranh lúc này không hề vô nghĩa, mà đó là một kiểu hồi phục ghi nhớ đối với hiện thực. Có điều, cách thể hiện không thuộc phạm vi tiếp nhận mà người lớn vốn có.

Nâng cao năng lực quan sát

Khi trẻ hào hứng chỉ vào “con vật kỳ quái” trong tranh của mình và nói đó là con chó bị tật nhưng kiên cường của nhà ông Hai hàng xóm, thì bạn đừng dùng ánh mắt không tin tưởng để trách mắng bé. Tuy nét vẽ có lung tung, rối rắm hoặc kỳ dị, nhưng có những sự vật, sự việc mà hằng ngày chúng ta quen mắt nên không nhận ra, lại được trẻ thể hiện bằng cảm nhận của mình.
Thực tế, đó chính là biểu hiện của khả năng quan sát ở trẻ. Với năng lực quan sát không bị giới hạn, trẻ có thể chú ý được những tiểu tiết mà nhiều người lớn đã vô tình bỏ qua. Hãy tin rằng, thế giới nội tâm của con trẻ có lúc còn nhạy cảm, tinh tế hơn chúng ta.
Nâng cao năng lực tưởng tượng
Tại sao chúng ta rất khó để hiểu trẻ đang vẽ gì? Đó là sự khác biệt trong năng lực nhận thức và trí tưởng tượng. Người lớn đều thích những thứ quy củ, chân thực, còn trong thế giới của trẻ lại tràn ngập những hình ảnh đầy sắc màu và lãng mạn của đồng thoại. Đó chính là những biểu hiện tốt nhất của trí tưởng tượng.
Ngoài ra, sự vận dụng màu sắc càng thể hiện rõ trí tưởng tượng “mạnh dạn” ở trẻ. Bé có thể tùy ý tô màu theo sở thích, hứng thú. Thế nên, bạn không thể dùng thái độ “kỳ quặc” của mình để lý giải thế giới của trẻ. Bởi trong mắt chúng, thế giới vốn rất phong phú và đa màu, đa sắc.
Bộc phát tâm trạng kịp thời
Nhà giáo dục Diest Wöh từng nói: “Bỏ ra 1 giờ vẽ tranh, những gì mà bạn thu về được còn nhiều hơn bỏ ra 9 giờ để nhìn ngắm thứ gì đó”. Đây cũng là lý do vì sao rất nhiều nhà tâm lý học trong quá trình điều trị lại yêu cầu bệnh nhân vẽ một bức tranh trước tiên. Tương tự, thông qua phân tích những bức tranh của trẻ, bạn cũng có thể tìm ra được tâm trạng hay căn nguyên bệnh tâm lý.
Trẻ con có những hứng thú bẩm sinh và biểu hiện ham muốn mạnh mẽ. Khi chưa thể dùng ngôn ngữ phong phú để biểu đạt thế giới nội tâm, trẻ sẽ thông qua cách kết hợp giữa tay và não (vẽ tranh) để “nói”. Vậy nên, mọi hỷ nộ ái ố của trẻ đều thể hiện trên giấy một cách tự nhiên. Có thể nói, mỗi một bức tranh đều là ghi chép chân thực tâm tư trong lòng, là biểu hiện ngoại tại tâm trạng của trẻ. Nếu những nét màu trẻ tô trên bức tranh có vẻ thô cứng, rối rắm, chồng lên nhau, màu sắc ảm đạm và nhạt thì có thể lúc này, bé đang có tâm trạng không tốt. Ngược lại, nếu những nét tô vẽ mềm mại, phong phú, màu sắc rõ ràng, tươi tắn thì có thể thấy tâm trạng của bé rất tốt và vẫn khỏe mạnh.

Giúp não trái phải cùng “khởi công”

Trong hoạt động, năng lực cử động tay chủ yếu sẽ “kích hoạt” não trái suy nghĩ vẽ cái gì, vẽ thế nào và điều khiển vận động của tay đều xúc tiến trí lực não trái. Đồng thời trong khi vẽ, trẻ sẽ vô tình bồi dưỡng thêm năng lực nhận biết, phán đoán về vị trí không gian, hình trạng, màu sắc - những thứ rất có lợi cho trí lực não phải. Do đó, vẽ tranh có thể cùng kích hoạt cả não trái và phải. Lúc vẽ tranh, trẻ sẽ không ngừng phá vỡ những tư duy và định thức vốn có. Vì vậy, khi tiếp nhận những sự vật mới mẻ xung quanh, trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, linh hoạt hơn, vì não trái phải đều cùng “khởi công”.
Vẽ là một cách biểu đạt tình cảm
Cũng như âm nhạc hay vũ đạo, hội họa là môn nghệ thuật đầy sức hấp dẫn. Có thể nói, vẽ cũng là một cách để con người thể hiện tâm tư, tình cảm. Bất luận tranh của người lớn hay trẻ con, đều mang trong đó nhân tố tình cảm cá nhân của chủ thể. Bạn nên nhớ, tác phẩm không có tình cảm thì sẽ khô cứng, không có sức sống. Vì vậy, nếu muốn trẻ phát triển “tế bào” nghệ thuật ngay từ lúc nhỏ, thì bạn hãy cho con mình được thử sức và thỏa chí đam mê. Tuy nhiên, bạn đừng nên xem nhẹ hứng thú của con, vì “hứng thú là người thầy tốt nhất”.
Tạ Phương (tạp chí Bầu)










Nguồn SKĐS




Theo bau.vn