Khi nuôi dưỡng những thói quen tốt, bản thân mỗi người sẽ được “hưởng lợi” suốt đời. Ngược lại, đó là thói quen xấu thì sẽ phải gánh lấy trách nhiệm triền miên. Vì vậy, nếu muốn con mình có một tương lai tươi sáng, bạn nên rèn cho bé 7 thói quen tốt sau, ngay từ khi trẻ còn nhỏ.





* Thói quen 1: Làm việc có kế hoạch
Không ít bé mỗi lúc làm bài tập thường bị những chuyện khác khiến mất tập trung, hoặc mỗi sáng thức dậy chuẩn bị đi học là không tìm thấy giày dép của mình, hay tiền tiêu vặt chưa đến cuối tháng đã hết sạch v.v… Nếu con bạn cũng gặp những vấn đề này, thì phương pháp tốt nhất chính là giúp trẻ học được cách làm việc có kế hoạch. Nghĩa là đối với mỗi việc cần làm, phải được quy định thời gian cụ thể, có chuẩn bị, sắp xếp và từng bước thực hiện.
Làm việc kế hoạch không những giúp trẻ tự chăm sóc bản thân có quy củ, mà còn giúp bé học tập và xử lý mọi chuyện tốt hơn. Hãy tin rằng, những người đạt thành tựu xuất sắc đều được hỗ trợ rất nhiều từ thói quen làm việc có kế hoạch. Từ những thứ lặt vặt lúc nhỏ cho đến việc theo đuổi mục tiêu cả đời, kế hoạch đều là nhân tố không thể thiếu. Không chỉ là một thói quen, làm việc có kế hoạch còn phản ánh thái độ và là yếu tố quyết định đến sự thành công của một công việc. Người làm việc có kế hoạch mới được tín nhiệm.

* Thói quen 2: Kiên trì rèn luyện thân thể mỗi ngày
Để thực hiện những ước mơ như học ở trường đại học danh tiếng, tìm một công việc tốt, có được sự nghiệp thuộc về mình…, rất nhiều trẻ và cả các phụ huynh chỉ chú trọng việc vùi đầu vào sách vở mà quên đi một điều rất quan trọng, đó là sức khỏe.
Mỗi ngày, bạn nên sắp xếp thời gian nhất định rèn luyện thân thể cho trẻ. Giúp con thực hiện một số vận động phù hợp và kiên trì mới có thể đạt hiệu quả tăng cường sức khỏe và thúc đẩy trí tuệ phát triển. Rèn thói quen tập thể dục không chỉ là luyện một thói quen tốt, mà còn hình thành cách sống khỏe mạnh cho trẻ. Cuộc sống nằm ở sự vận động và chỉ khi đảm bảo sức khỏe, con người mới thực hiện được những hoài bão to lớn hơn.
* Thói quen 3: Chào đón ngày mới một cách… sạch sẽ
Mỗi sáng thức dậy phải đánh răng rất ngại, mùa đông thì không cần tắm rửa sạch sẽ quá, mang giày cả tuần mới thay chẳng sao, móng tay dài nhìn đẹp hơn nên không cần cắt tỉa, áo khoác không cần giặt thường xuyên, thỉnh thoảng vứt rác cũng là chuyện nhỏ v.v… Đó là những ý nghĩ và thói quen thật tồi tệ nếu trẻ nhỏ mắc phải. Chào đón ngày mới với diện mạo sạch sẽ, tinh tươm chính là yêu cầu thiết yếu trong việc vệ sinh cá nhân và cũng là yêu cầu giữ gìn vệ sinh công cộng. Hãy dạy trẻ làm một người văn minh, mà trước hết chính là cần khắc phục thói quen lười vệ sinh nếu có.
* Thói quen 4: Tự giải quyết chuyện của bản thân
Bạn hãy tập cho trẻ biết cách dựa vào sức lực và kinh nghiệm của bản thân, để hoàn thành những chuyện sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học tập. Không nên để trẻ có thói quen việc gì cũng tìm mọi cách nhờ người khác giúp đỡ. Nhiều trẻ được bố mẹ bao bọc quá mức, đến đi ngủ cũng bố mẹ gọi, quần áo cũng bố mẹ thu dọn, đọc sách và làm bài tập cũng bố mẹ nhắc nhở, làm thay. Như vậy, một khi không có cha mẹ ở cạnh bên thì chắc trẻ chẳng thể làm gì nổi. Bạn cần để con học cách tự mình làm lấy việc của mình thì mới giúp trẻ khắc phục tâm lý ỷ lại và tư tưởng dựa dẫm, học được cách tự quản lý bản thân, để có thể trở thành một người độc lập.
* Thói quen 5: Mỉm cười với mọi người
Ai cũng mong đối diện với một khuôn mặt nở nụ cười. Đó là biểu hiện của sự lịch thiệp, hài hòa dễ gần, chân thành thân thiện và đầy lòng khoan dung. Người có thói quen này đi đến đâu cũng luôn là người được hoan nghênh nhất. Có nhà thơ đã từng nói, đại ý là: “Nụ cười thật sự là tượng trưng của lòng nhân ái, là ngọn nguồn của niềm vui và là cầu nối đến gần với người khác. Có nụ cười, tình cảm của nhân loại được truyền cho nhau…”. Luôn biết mỉm cười không chỉ là một trạng thái hành vi tốt đẹp, mà còn thể hiện một tâm thái khỏe mạnh. Vì vậy, bạn nên dạy trẻ nuôi dưỡng thói quen cười với mọi người, bởi đây là một trong những tiêu chuẩn giúp bé học cách làm người.
* Thói quen 6: Đã nói thì nhất định phải cố gắng làm
Nếu đồng ý giúp người khác việc gì đó mà không hề có động tĩnh gì thì chắc chắn, đối phương sẽ cảm thấy rất buồn phiền. Luôn nói mà không giữ lời thì chắc chẳng ai còn muốn tiếp tục kết giao nữa. Một hai lần có thể được bỏ qua, nhưng nhiều lần như vậy thì không ai chấp nhận được. Hãy dạy trẻ là một người biết giữ chữ tín, dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chỉ cần đã nói ra là phải cố gắng thực hiện. Bạn muốn nuôi dưỡng cho con mình một nhân cách tốt, được mọi người đón nhận, yêu mến thì trước hết, chữ tín cần được uốn nắn kỹ càng và rèn luyện thành một thói quen. Bạn có thể hỏi và hướng cho trẻ điều đúng đắn này bằng những câu như: “Trước khi nhận lời người khác, con có thật sự suy nghĩ mình có đủ năng lực làm hay không?”, “Đã nói lời rồi thì dù khó đến mấy, con cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc phải không?”, “Con chắc chắn trả lại đồ đã mượn đúng hẹn chứ?”, “Cho dù là một chuyện rất nhỏ, chỉ cần đã hứa thì con sẽ cố hết sức hoàn thành phải không nào?” v.v…

* Thói quen 7: Tự phản tỉnh khi sai lầm
Đối diện với những sai lầm không đơn thuần chỉ là “sửa lại cho đúng”. Nếu con bạn chỉ biết sai và sửa sai mà không hề nhận thức được tại sao mình sai và sai ở đâu, làm thế nào để lần sau tránh, thì khả năng trẻ sẽ đi lại vết xe đổ là rất lớn. Khi phạm lỗi, đòi hỏi trẻ phải tập được một thói quen khác nữa, đó là: tự phản tỉnh từ những sai lầm đã mắc phải. Chỉ có vậy, trẻ mới biết cách tiến thêm một bước đi sâu phân tích sai lầm của mình, kịp thời tổng kết và rút ra kinh nghiệm thật sự để không tái phạm nữa.
Minh Thư (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn