Bố mẹ nào cũng hy vọng con mình thông minh hơn người, cái gì cũng học được nhanh hơn những đứa trẻ khác. Không ít người luôn cố gắng dạy bé tập đi từ rất sớm mà không biết rằng việc học đi của bé không thể nóng vội. Bé biết đi quá sớm chưa hẳn đã tốt như bạn nghĩ.





Bé biết đi không phải càng sớm càng tốt
Sự phát dục về khả năng vận động của trẻ là một quá trình chậm rãi dần dần và tuân theo quy luật phát triển nhất định. Có câu nói dân gian rằng “2 tháng ngóc đầu, 4 tháng lật, 6 tháng ngồi, 7 tháng lăn, 8 tháng bò, thôi nôi biết đi” chính là phản ánh chân thực cho quy luật vận động của trẻ. Nếu đi ngược lại quy luật này, cho trẻ học đứng, học đi quá sớm, lúc này xương của trẻ còn rất mềm và yếu, tổ chức cơ, đặc biệt là cơ chi dưới còn non nớt, thêm vào tư thế khi mới vừa tập đi vẫn chưa chính xác, những điều này khiến trọng lượng cơ thể trẻ dồn xuống chi dưới, dễ khiến cho hai chân sau này bị xiêu vẹo, không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn bất lợi cho sự sinh trưởng bình thưởng của trẻ.
Chuẩn bị cho trẻ tập đi
Tốc độ phát triển của mỗi trẻ khác nhau. Tuy nhiên thông thường, trẻ từ 1 đến 1 tuổi rưỡi học đi là bình thường. Bạn không nên nóng vội và để chuẩn bị cho quá trình tập đi của trẻ, bạn nên làm tốt những yêu cầu sau:
1.Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong thời kỳ sơ sinh
Sự sinh trưởng phát dục của trẻ cần được đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ. Do đó, khẩu phần cho trẻ phải toàn diện, cân bằng, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết. Các thực phẩm không thể thiếu là sữa, trứng, thịt, rau củ tươi v.v… Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, giảm bệnh tật. Ngoài ta, sau 2-3 tháng đầu, bạn nên đưa trẻ ra ngoài nhiều hơn để hấp thụ ánh nắng mặt trời, tham khảo sự hướng dẫn của bác sỹ để tăng thêm dầu cá và canxi thích hợp, những yếu tố này có thể giúp xương của trẻ chắc khỏe hơn.
2.Rèn luyện trẻ theo đặc điểm của từng giai đoạn phát dục
Trong 6 tháng đầu tiên, bạn nên dạy trẻ học cách ngóc đầu, lật người, ngoài ra có thể thêm vài động tác thể dục thích hợp được bác sỹ hướng dẫn. Đến khoảng tháng thứ 8, dạy trẻ cách bò. Hoạt động bò trườn giúp các hệ thống toàn thân trẻ được điều chỉnh hài hòa, cải thiện tuần hoàn máu, tim mạch và não bộ, khiến trọng lượng cơ thể phân tán đến tứ chi, giảm gánh nặng cho cơ bụng và cột sống. Hơn thế, khi bò cổ của trẻ sẽ ngẩng lên, động tác này tác động lên não thúc đẩy não phát triển hơn. Đến tháng thứ 10, để trẻ tập vịn và đứng, khi đã đứng vững thì có thể dạy trẻ tập bước đi dần dần.
3.Hãy nhẫn nại và chờ đợi, học cách ngừng lo lắng
Khi trẻ mới tập đi cần phải rèn luyện nhiều lần trong thực tiễn về cách làm sao nắm vững được trọng tâm, như thế trẻ mới có thể bước đi vững chãi hơn. Vì vậy, bạn cần phải biết chờ đợi và nhẫn nại hơn, cho trẻ thêm nhiều cơ hội để thử, đừng vì thấy trẻ ngã mà xót không cho trẻ tập nữa, cũng không nên tỏ ra quá lo lắng sợ hãi trước mặt trẻ, vì sự hoang mang của bạn sẽ khiến trẻ sợ trong quá trình tập đi. Rất nhiều trẻ biết đi trễ chính là do khi đã đến giai đoạn tập đi mà vẫn được bồng bế thường xuyên, điều này nhìn vào có vẻ là sự bảo bọc an toàn nhưng thật ra lại cướp đi quyền học đi của trẻ. Kỳ thực, bố mẹ nên can đảm “buông tay”, để trẻ trải nghiệm, dù có té ngã, bạn chỉ cần vỗ về và khích lệ nhẹ nhàng để trẻ có cảm giác an toàn là được.'


4. Tạo môi trường an toàn để trẻ học cách điều khiển động tác chi dưới của mình
Sau khi trẻ đã có thể vịn vật gì đó đứng lên thì bạn cũng nên bắt đầu dạy trẻ tập đi. Lúc này, bố mẹ có thể quỳ trước mặt trẻ, đưa hai tay ra nâng đỡ cánh tay trẻ sao cho ngang tầm vai mình, nhưng chú ý đừng nâng quá cao để tránh làm tổn thương tay trẻ. Sau đó bạn khích lệ trẻ bước dần về phía bạn, để trẻ trải nghiệm cảm giác thực khi bước trên mặt đất. Khi trẻ có thể bước đi, bạn hãy nới tay và cổ vũ trẻ tiếp tục bước về phía mình. Cho đến khi trẻ đã điều khiển được cơ thể giữ thăng bằng, bạn có thể đứng xa hơn khoảng 1 mét, dung những món đồ chơi “hấp dẫn” trẻ bước đến. luyện tập nhiều lần, trẻ sẽ càng mạnh dạn tự đi một mình.
5. Kịp thời điều chỉnh tư thế đi sai
Khi tập đi, do chi dưới chưa phát triển hoàn chỉnh, sức của chân không đủ nên hai chân trẻ thường có xu hướng dạng ra, kết quả là tư thế đi của trẻ trở nên không chuẩn xác. Theo sự tăng trưởng, việc cân bằng động tác cũng dần được điều chỉnh, kiểu đi dạng chân này cũng sẽ thay đổi nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu trẻ đã hơn 2 tuổi mà kiểu đi vẫn như thế, hoặc hơn 1 tuổi rưỡi mà vẫn chưa biết đi thì bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ chuyên khoa để kiểm tra và có sự can thiệp kịp thời để điều chỉnh.
Tường Lâm (Bau.vn)

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn