Đến lúc, bạn nhận ra bé yêu bỗng trở nên thay đổi, bướng bỉnh và muốn “thể hiện”. Đó là dấu hiệu “khủng hoảng” tâm lý ở trẻ lên 3 lên 4, khiến nhiều bà mẹ gặp không ít bối rối. Những chia sẻ dưới đây của Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh, sẽ là kinh nghiệm tuyệt vời dành cho bạn.





Em bé nhà mình cũng vừa mới vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Đúng là “hoảng” thật sự đấy các mẹ ạ! Bé thường xuyên quấy khóc, mè nheo vô lý, đòi hết cái này, thứ kia. Thật ra, các bậc phụ huynh nên hiểu vấn đề, đón nhận việc đó hết sức bình tĩnh và cố gắng biết bé thường thích gì nhất. Khi nào, bé đúng “cơn khủng hoảng” thì mình bình tĩnh hướng con sang những điều yêu thích, hoặc chuyển sang một việc mới, một trò chơi mới cần có sự khám phá, tìm hiểu.

Như vậy, bé sẽ dần quên đi những trạng thái cảm xúc khó chịu đó. Có thể hiểu, khủng hoảng chính là giai đoạn con bạn muốn khẳng định tất cả những điều mình làm là đúng và bé có thể làm được. Nếu người lớn không hiểu điều đó mà ngăn cấm, thì chắc chắn bé càng phản ứng kịch liệt và dữ dội. Do đó, bạn hãy cùng con và giúp con vượt qua được những biến đổi tâm lý ở độ tuổi này. Một lưu ý nữa là, nếu bố mẹ không hiểu và cũng phản ứng mạnh mẽ lại với con, thì bé sẽ càng phản ứng mạnh mẽ và nhiều hơn bố mẹ, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý sau này của trẻ rất nhiều.
Em bé nhà mình cũng có nhiều biểu hiện rất khó chịu khi đó. Rất may, là Quỳnh từng học qua khóa Quản lý mầm non, nên biết đó là giai đoạn khủng hoảng tự nhiên của lứa tuổi. Mình dặn cả nhà phải hết sức bình tĩnh, vì giai đoạn này, các bé muốn chứng tỏ bản thân, đôi khi muốn tự lập, hoặc thậm chí nhiều lúc chỉ muốn tìm hiểu về sức mạnh… tiếng khóc của mình mà thôi. Người lớn càng nóng giận, con càng khóc và sau đó, bé sẽ học luôn cả tính nóng giận ấy. Trẻ con là bản sao hoàn hảo nhất mà Quỳnh được thấy, các bạn ấy “sao chép” rất giỏi. Vì vậy, người lớn làm gì, nói gì luôn cần để tâm đến thành viên tí hon của gia đình.

Mỗi khi con không hài lòng gào khóc, mình hướng bé tập trung chú ý tới việc khác, hoặc đôi khi làm ngơ cho con khóc để bé hiểu rằng, tiếng khóc không giải quyết được việc gì. Mình luôn khuyến khích con giữ bình tĩnh và diễn đạt bằng ngôn ngữ, khích lệ khi bạn ấy làm đúng và tỏ thái độ không đồng ý khi con sai. Đồng thời, yêu cầu bé biết xin lỗi khi không đúng và biết cảm ơn khi được nhận một món quà. Nếu nhớ không nhầm, thì bé Cherry nhà Quỳnh hoàn toàn hết các biểu hiên khủng hoảng sau gần 2 tuần. Qua thời gian đó, con lại ngoan như một chú cún con và tình cảm vô cùng. Chẳng bù cho lúc cao trào khủng hoảng, bé toàn xua tay bảo mẹ đi ra, nhìn mẹ như nhìn thấy cọp ý! Giờ thì mọi chuyện đã ổn. Hy vọng, chút kinh nghiệm sẻ chia của mình như là một cách để các bố mẹ tham khảo thêm. Chúc các thiên thần nhỏ luôn ngoan và hay ăn, chóng lớn nhé!
Bảo Khang (tạp chí Bầu)








Nguồn SKĐS




Theo bau.vn