Hầu hết mọi em bé đều “nhạy cảm” với âm nhạc và các giai điệu. Bản năng của trẻ kích thích chúng “ngoáy mông”, dập dình chân tay mỗi khi âm nhạc nổi lên. Dường như, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể nhảy nhót.





Âm nhạc là sự gắn kết
Bạn có thể chưa nhận ra, nhưng hãy giúp trẻ phát triển niềm yêu thích khiêu vũ. Hoạt động này giúp cả mẹ và bé có sự liên hệ mật thiết với nhau, thông qua các bước nhảy cơ bản, hoặc đơn giản chỉ là cú lắc mông, xoay người hoặc “xoạc” của cả hai mẹ con. Yêu thích nhảy nhót cũng là cách giúp bé phát triển nhiều kỹ năng khác nhau, như sự kết hợp khéo léo giữa tay và chân, cách cảm thụ âm nhạc và cách biểu hiện cảm xúc.

Âm nhạc giúp trẻ luôn cảm thấy tươi vui, đầy cảm hứng và hạnh phúc. Bắt đầu biết thích nhún nhảy và vỗ tay theo tiếng nhạc, sẽ giúp bé luôn cảm thấy ổn thỏa về mọi mặt và khích lệ sự tự tin. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra là khi nghe thấy một bản nhạc quen thuộc, khuôn mặt của bé bắt đầu sáng bừng lên. Bé nhớ được giai điệu và cả lời của bài hát, lắc lư theo tiếng nhạc như thể quên hết mọi thứ quanh mình. Nhảy nhót cũng kích thích những cảm xúc tươi mới và sáng tạo trong bé. Và bạn, cũng đừng cảm thấy khó hiểu khi bé thích nhảy với những tư thế khá “kỳ quặc”.
Nhảy nhót thật “bổ dưỡng”
Nhảy là hoạt động vui vẻ giúp mọi em bé phát triển các kỹ năng, sự kết hợp linh hoạt ở các bộ phận cơ thể. Khi được nghe những tiếng nhạc vui nhộn, thế nào bé cũng ngay lập tức muốn cựa quậy chân tay và muốn dập dình cùng tiếng nhạc. Thậm chí với một em bé chưa biết đi vững, tiếng nhạc có thể kích thích khiến bé chủ động muốn tự đứng lên, nhấc cơ thể ra khỏi chỗ ngồi cố định, rồi cố gắng tìm mọi cách nâng bàn chân mình nhích từng bước một.
Bạn nên biết là hành động nhảy đối với trẻ dù ở độ tuổi nào đều không quá khó. Một bài hát thiếu nhi với lời lẽ thật vui nhộn sẽ khiến bé thêm hưng phấn. Mẹ có thể dựa vào lời bài hát rồi nhảy múa minh họa cùng con. Những động tác này giúp bé vận dụng được cả bàn chân và đôi tay. Đây cũng là những bài thể dục vận động hiệu quả cho sức khỏe và sự linh hoạt của trẻ, giúp bé vui vẻ, tràn đầy sinh lực và giải phóng năng lượng.

Cả nhà cùng vui

Hãy để cho trẻ nhảy múa theo cách mà trẻ muốn. Đừng bắt ép bé phải nhảy múa một cách bài bản và chuyên nghiệp. Sự ép buộc có thể làm hạn chế sức sáng tạo trong trẻ, khiến bé mất dần hứng thú với âm nhạc và nhảy múa. Bạn cũng để cho bé luôn được trông thấy nụ cười của bạn mỗi khi bé nhảy cẫng lên hay ngồi xuống, mỗi khi trẻ vung tay nhảy nhót hoặc hất tung mái tóc trong lúc tiếng nhạc cất lên. Sau đó, hãy ôm và động viên khi con dừng lại, luôn khích lệ và gợi ý cho bé những động tác vui vẻ lúc nhảy múa. Bé thực sự rất thích những “bạn nhảy” của mình, nên bạn và ông xã đừng ngại dành nhiều thời gian với con cho việc nhảy múa. Và thế là, cả gia đình đều có những phút giây sống động, vui vẻ bên nhau.
Trang Lê (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn