Khí dung là cách áp dụng xông mũi họng ở trẻ qua mặt nạ, để hỗ trợ chữa trị một số bệnh lý về đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, nếu không áp dụng hợp lý, sẽ phản tác dụng và có thể gây nguy hiểm cho bé.





<strong style="text-align: justify;">Có thể gây nguy hiểm[/B]
Thấy con ho khó thở, chị M (Hoàng Mai, HN) đoán bé bị viêm phế quản, liền chạy đi mua thuốc về khí dung cho bé. Nhưng sau khi xông 30 phút, bé nhà chị có hiểu hiện khó thở hơn, môi tím tái và sốt. Gia đình vội đưa con vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Đến nơi, bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp do dùng khí dung không đúng liều, đúng cách. Cũng may, bé được cấp cứu kịp, nên đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Phạm Thanh Mai (Nguyên Trưởng Khoa sơ sinh - BV Phụ Sản TƯ) cho biết, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp xông khí dung không đúng cách, dẫn đến tình trạng co thắt phế quản, khiến trẻ suy hô hấp. Phụ huynh nên nhớ, thuốc sử dụng trong khí dung rất đa dạng, phụ thuộc vào yêu cầu điều trị và phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: không gây phản ứng dị ứng, nồng độ không quá cao, tránh dùng các loại thuốc pha chung khí dung có sự tương kỵ với nhau và không được dùng lượng thuốc quá nhiều cho một lần khí dung.
Áp dụng khí dung hợp lý
- Thuốc: Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không được tự ý dùng thuốc, vì một số loại gây kích ứng đường thở, co thắt, nhất là thuốc corticoid hay kháng sinh. Bất kỳ phương pháp trị nào cũng có mặt lợi và hại, xông khí dung cũng vậy. Thế nên, nếu dùng không đúng, bệnh không khỏi mà còn có thể khiến trầm trọng hơn.
- Thời điểm và thời gian xông: Tốt nhất, nên xông cho trẻ sau khi ăn 2 tiếng. Không nên khí dung khi bé quá đói hoặc quá no.Mỗi lần xông, không được quá 15 phút và cần để trẻ ở tư thế thoải mái nhất (ngồi thẳng).
- Cách xông: Dạy trẻ thở chậm và sâu bằng miệng, hít vào sâu, ngưng lại 1 - 2 giây, rồi thở ra từ từ để thuốc phân tán một cách hiệu quả vào tận các phế nang và phế quản. Khi xông, có thể ngửa cổ về phía sau giúp thuốc dễ hấp thu. Sau mỗi lần xông, cần xúc miệng để tránh nấm phát triển trong họng.
- Số lượng xông một ngày: Nếu ở bệnh viện, bạn phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ở nhà, có thể khí dung 2 - 3 lần/ ngày (sáng/trưa/tối) với trẻ bị hen suyễn. Những trường hợp nhẹ như viêm phế quản, viêm mũi họng, chỉ cần xông 1 - 2 lần/ ngày (sáng và tối).
- Theo dõi: Theo dõi bé trong lúc khí dung rất quan trọng. Khi xông, bạn nên quan sát xem trẻ có những biểu hiện gì bất thường không. Chẳng hạn, nếu bé nôn ói, khó thở hoặc tím tái, bạn cần ngưng phun thuốc ngay và đưa con đến cơ sở chuyên khoa để được khám, theo dõi.
Cùng với việc khí dung đúng cách, bạn cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề vệ sinh máy xông. Nếu để máy bị bẩn, có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hơn. Trước và sau mỗi lần khí dung, hãy bảo đảm máy xông phải sạch sẽ, tránh để nước thuốc đọng lại bên trong và thhường xuyên kiểm tra, thay miếng lọc khí.
Bảo Khang (tạp chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn