Không biết gọi đây là bệnh “đặc biệt nguy hiểm” có đúng không, nhưng chứng kiến những gì ở các “cô chiêu, cậu ấm” thì quả thật là quá “xa xỉ” so với những đứa trẻ bình thường.





Một lần, có dịp ghé vào ngôi nhà sang trọng của một người nổi tiếng, tôi bị choáng ngợp với không gian dành cho cậu quý tử của họ. Chỉ tính riêng tiền mua đồ chơi cũng bằng tiền sữa bỉm cả năm, thậm chí là mấy năm của con nhà khác. Đang đứng, tôi giật mình bởi tiếng “chíu chíu - chết này” và quay lại thì thấy cậu bé đang dí súng vào lưng mình. Mẹ bé nói: “Con không nghịch thế, chào cô đi!”. Bé lại dí súng vào mặt mẹ và luôn miệng “pằng pằng”. Bị mẹ tịch đồ chơi, cậu bé lăn đùng la khóc ăn vạ, rồi bật dậy cướp lấy súng trong tay mẹ ném vù vào tường. Mẹ bé tái mặt, ông bố chạy ra thu lượm những mảnh vụn của khẩu súng. Tưởng ông quay vào lấy roi xử lý con, nhưng khi đi ra lại cầm theo 2 khẩu súng khác nói: “Thôi, bố đền đây. Súng kia hỏng rồi, chơi cái này đi mai bố mua nhé!”. Cậu bé lại gào khóc vì không thích khẩu súng mới. Sau cùng, mẹ cậu bé dỗ dành: “Thôi đừng khóc nữa! Bố sẽ bế con xuống siêu thị mua cái khác…”.<strong style="text-align: justify;">[/B]Quay sang tôi, mẹ bé nói: “Vợ chồng em mới có mình bé Bo, được chiều từ nhỏ nên quen rồi chị ạ! Chắc lớn, nó sẽ thay đổi dần”. Tôi mỉm cười, im lặng vì không biết nói gì với mẹ bé lúc ấy.
Nuông chiều trẻ chơi đồ chơi bạo lực từ nhỏ sẽ rất nguy hiểm (ảnh minh họa)
Lần khác, tôi rủ mẹ Bo đi làm từ thiện. Trên đường đi, chúng tôi ghé vào nhà một người bạn. Bạn tôi có bé Gấu (trạc tuổi Bo) cũng khá hiếu động, nhưng rất quy tắc và nghe lời. Ô tô đồ chơi của Gấu bị rơi một bánh xe, bé “báo cáo” tình hình với mẹ: “Mẹ ơi, ô tô bị rơi bánh rồi!”. Mẹ Gấu nói: “Hỏng rồi thì thôi, tìm cái khác chơi, tại con nghịch quá mới làm hỏng”. Cậu bé mặt buồn thiu: “Khi nào con được phiếu bé ngoan, mẹ thưởng ô tô nhé!”. “Nếu mua món đồ chơi này thì con sẽ không được mua siêu nhân nữa!”. Cậu bé im lặng một lúc, rồi nói: “Thôi, con không cần ô tô nữa, mẹ mua siêu nhân”. Như sợ bị mẹ từ chối, Gấu vội chào các cô rồi ôm chiếc ô tô hỏng chạy nhanh vào phòng. Nhìn theo con, bạn tôi cười: “Em phải nói như vậy để bé lựa chọn điều mình thích và không vòi vĩnh nữa. Được cái, cu cậu không mè nheo và em không bao giờ đáp ứng ngay những nhu cầu của bé. Như vậy, để cho con thấy không phải muốn gì là được nấy và không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể đáp ứng được những gì bé muốn. Chứng kiến cảnh ấy, mẹ bé Bo thở dài: “Giá mà cu Bo nhà em cũng được một phần tính cách như Gấu thì hay biết mấy…”.
Không nên chiều theo mọi yêu sách của trẻ (ảnh minh họa)
Theo bác sĩ tâm lý Quách Thúy Minh (BV Nhi TƯ), việc nuông chiều con cái một cách thái quá, dù là trai hay gái, đều dẫn đến làm hỏng con. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được nuông chiều chỉ biết đến bản thân, cho rằng đòi gì, thích gì là sẽ được đáp ứng. Khi không được đáp ứng, trẻ sẽ có những lời nói hỗn hào, thái độ thiếu lễ phép, hành động ngỗ ngược…Vì vậy, phụ huynh nên nói “không” một cách dứt khoát với sự vòi vĩnh của trẻ. Bạn cần cho trẻ biết đâu là giới hạn cho phép và không nên thay đổi quyết định của mình. Bố mẹ nên biết rằng, ngọc quý càng mài càng sáng, hơn là cứ ấp ôm thì viên ngọc ấy sẽ ngày càng thui chột, trở lại thành đá thường mà thôi…
Nguyễn Vương (tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn