Bé bắt đầu biết “phản hồi” trước những lời nói, yêu cầu của bố mẹ và thậm chí, còn… giả điếc như không nghe thấy gì. Việc mong muốn con mình ngoan ngoãn, nghe lời như trước liệu đã đổi thay?





Nguyên do từ đâu?
Sự “phản kháng” này là bởi bé đang trong giai đoạn phát triển và lớn lên từng ngày. Giờ đây, không phải lúc nào bé cũng phụ thuộc vào bố mẹ, mà đã có suy nghĩ của riêng mình. Bé không chấp nhận mọi điều, vì cũng có ý kiến, quan điểm riêng. Thế nên, muốn tự quyết định những việc cá nhân như lựa chọn quần áo, tắm táp, ăn uống… Tất nhiên, điều này đôi khi khiến bạn phiền lòng. Chẳng hạn, bạn bảo con đi ngủ thì bé lại cố cắt dán hình cho xong, bạn than phiền con bày biện mọi thứ ra phòng mà không dọn dẹp thì bé cũng “chỉ trích” bạn cũng hay làm bừa bãi như thế. Từ đó, bạn sẽ nghĩ con mình đang trở nên khó bảo, cứng đầu và thích cãi lời. Thế nhưng, thực tế là bé đang ở trong độ tuổi hình thành và phát triển tính cách, nên luôn muốn khẳng định bản thân với những ý kiến của riêng mình.

Nên thận trọng với lời nói của mình

Ý kiến, câu nói của trẻ đôi khi khiến bố mẹ cảm thấy không được tôn trọng. Tuy nhiên, trẻ không hề có ác ý, mà chỉ muốn khẳng định bản thân bằng ý kiến riêng của mình. Cơn thịnh nộ của bố mẹ chỉ làm tăng thêm những mâu thuẫn và đối đầu không cần thiết giữa bạn và trẻ. Thậm chí, trẻ cũng không thể hiểu được tại sao bạn lại bực tức như thế. Vì vậy, hãy phản hồi bằng thái độ điềm tĩnh, thẳng thắn. Hãy nói với con là bạn cảm thấy buồn khi thấy những phản ứng đó. Luôn nhắc để trẻ hiểu được rằng, nhiệm vụ của bạn là chăm sóc, bảo vệ trẻ. Điều này đôi khi dẫn đến những quyết định của cha mẹ không giống với những mong muốn của trẻ, nhưng sẽ là tốt hơn. Trẻ cũng cần phải biết đang sống trong một gia đình, là thành viên trong gia đình nên ở đó, mọi người luôn phải quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Bạn cần nhấn mạnh với con là những người khác cũng cảm thấy bị xúc phạm hoặc phiền lòng, khi trẻ có những phản ứng mạnh mẽ trước những yêu cầu, mong muốn của mọi người.

Đây là điều không thể chấp nhận được?

Giải thích để trẻ hiểu được rằng, bạn rất vui khi bé bắt đầu có những ý kiến riêng của mình và không phụ thuộc nhiều vào người lớn. Tuy nhiên, khi bé muốn đưa ra ý kiến riêng, hãy hạ giọng và phải thật bình tĩnh để thể hiện sự tôn trọng mọi người, chứ không được nhăn mặt, lớn tiếng, quát tháo ầm ĩ. Đã đến lúc, trẻ cần phải học cách tôn trọng những yêu cầu của bố mẹ mà không tỏ thái độ phản đối hay tức giận. Trẻ có quyền bày tỏ ý kiến của mình, nhưng phải từ tốn, nhẹ nhàng, chứ không được dùng những từ ngữ thô lỗ và thái độ thiếu lịch sự. Và khi bé đã có những tiến bộ, bạn cần khen ngợi và tỏ thái độ hài lòng trước những đổi thay này ở trẻ.
Nguyên Hiếu (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn