Cho con ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy, chị Thu Phương (Hà Nội) cũng đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng trước áp lực từ gia đình.





Khi con gái đầu lòng, bé Sóc được 6 tháng tuổi và bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Nguyễn Thu Phương (sinh năm 1989, Hà Nội) lựa chọn cho con phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về lý thuyết và kinh nghiệm của các mẹ đi trước.
Vậy nhưng chị thất bại ngay sau vài buổi thực hành bởi bé Sóc không chịu cho mẹ đút thìa, ngay khi đó, bà mẹ trẻ đã quyết định đổi hướng sang phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Từ đó đến nay, bé Sóc đã được hơn 10 tháng tuổi, ăn vui, ăn ngoan và ăn tốt rất nhiều loại thực phẩm, độ thô khác nhau.
Chị Thu Phương chia sẻ lại những quan điểm và kinh nghiệm vô cùng thiết thực của mình cho các bà mẹ trẻ đang bắt đầu cùng con bước vào giai đoạn ăn dặm.







Bé Sóc, con gái chị Thu Phương




Cho con ăn dặm theo trào lưu thì chắc chắn là không bền
Bây giờ số lượng chị em theo ADKN và BLW không phải là ít, thậm chí còn thành trào lưu. Thế nhưng cũng không ít người "được vài bữa là bỏ", quan điểm của chị thế nào?
Nếu cho con ăn theo trào lưu thì chắc chắn là không bền rồi vì phương pháp này khác hẳn hoàn toàn với phương pháp ăn dặm truyền thống. (cười).
Một tình huống dẫn đến việc 'được vài bữa là bỏ" phổ biến là: con đang ăn rất vui vẻ và hợp tác, nhưng cho con tự ăn không tránh khỏi sự bừa bộn, thức ăn vung vãi, con bôi cả đồ ăn lên đầu, lên người, ông bà chê bẩn thỉu, dọn dẹp mệt mẹ lại nản. Từ đó dẫn đến nản lòng, từ bỏ.
Hoặc chưa nói đến sự phản đối của ông bà, người thân mà ngay cả mẹ, nếu chưa tìm hiểu kĩ sẽ rất hoang mang với các diễn biến tâm lý và các hành động của con rồi cũng nhanh chóng bỏ cuộc.
Hoang mang với các diễn biến tâm lý và hành động của con, cụ thể là gì?
Ví dụ như có một thời gian con không ăn gì cả, chỉ mút mút đồ ăn và ném đi hoặc cắn nhai xong nhả đồ ăn đi. Đó hoàn toàn là diễn biến tâm lý bình thường của các em bé, nhưng mẹ không tìm hiểu kĩ, mẹ lại nghĩ mình đang sai lầm rồi chăng? Con không ăn thì con lấy năng lượng ở đâu? Rồi sợ con không ăn thì chết đói, thì bị còi, rồi bị áp lực của người khác lại đè con ra, ép con ăn.
Khi đó, con lại càng hoang mang và hoảng sợ tột độ, càng không ăn thế là mẹ kết luận phương pháp này con mình không hợp và bỏ, quay lại phương pháp truyền thống.

Đừng mang con mình ra thí nghiệm
Theo chị, nguyên nhân sâu xa nhất cho sự bỏ cuộc của nhiều bà mẹ là gì?
Tôi nghĩ nguyên nhân lớn nhất mà các mẹ cho ăn vài bữa là bỏ đó là các mẹ quá kì vọng vào phương pháp này, nghĩ phương pháp này sẽ giúp con ăn nhiều hơn, đỡ mệt và vất vả hơn nhưng khi áp dụng thực tế thấy mọi chuyện không như là mơ nên cảm thấy hụt hẫng, thất vọng.
Tôi xin nói luôn, ăn theo phương pháp này con không hề ăn nhiều, thậm chí là ít so với các bạn ăn phương pháp truyền thống. Nhưng cái được là con ý thức được chuyện mình được ăn, ăn vui vẻ, ngồi ăn nghiêm túc, không ăn sẽ bị đói, còn đâu lượng bé cần thế nào bé sẽ ăn như vậy. Bạn cho bé tự chỉ huy thì phải tôn trọng ý kiến cá nhân của con, mẹ chỉ cung cấp đồ ăn, không hơn.
Còn chuyện nhàn hơn, đỡ vất vả hơn? Đồng ý là chế biến đồ ăn cho con sẽ nhanh hơn vì con ăn thức ăn như người lớn, nhưng khoản dọn dẹp mẹ phải luyện cho mình tinh thần thép.
Với các bé BLW muộn, tức là đã quen được đút ăn, thì khi bắt đầu BLW mẹ đừng hi vọng con sẽ biết cho đồ ăn vào miệng cắn và nuốt ngay được.Trong trí nhớ của bé chỉ nhớ rằng việc ăn là được mẹ đút và nuốt, thế thôi. Còn bây giờ bạn đưa đồ ăn cho bé, bé hoàn toàn không biết đấy là đồ ăn, không biết phải làm gì với nó, bé chỉ nghĩ đó là đồ chơi mẹ cho mà thôi, không có gì thú vị thì bé quăng đi. Bạn phải hướng dẫn bé bốc thức ăn lên, cho thức ăn vào miệng, cắn, nhai và nuốt, nếu không ăn sau đó sẽ bị đói. Đây là một chuỗi hành động mà không chỉ 1-2 buổi mà con thành thạo được. Nếu mẹ không kiên nhẫn thì bỏ cuộc cũng là điều dễ hiểu.
Có rất nhiều mẹ hỏi tôi là, con mình giờ không chịu ăn gì cả, ăn phải ép rất khổ sở, thậm chí phải bơm xi lanh, giờ muốn thử cho con ăn theo phương pháp này xem con có tiến bộ hơn không thì tôi cũng có nói luôn: Đừng mang con mình ra thí nghiệm! Nếu bạn xác định theo phương pháp này, hãy nghiên cứu thật kĩ, nắm chắc các mấu chốt vấn đề, các khó khăn sẽ gặp phải và bạn tự tin để bắt đầu chiến đấu thì hẵng làm, đừng thử, hãy làm thật!

Nhìn ảnh bữa ăn của bé, có thế thấy chị cho con ăn thô khá sớm và miếng ăn có nhiều miếng thậm chí khá to. Chị không "cố quá" chứ?
Nhiều mẹ hỏi tôi cho con ăn thế có sợ con nghẹn không. Trước khi áp dụng bất kì điều gì cho con tôi đều nghiên cứu rất kĩ càng để xem có phù hợp với con, với hoàn cảnh hay không, tôi có theo được phương pháp này hay không?
Điều quan trọng cần nhớ khi cho con ăn BLW là: Thức ăn được thái phù hợp với kĩ năng của con chứ không phải là theo tháng tuổi. Con sẽ biết tự xử lý khi cắn miếng quá to không nuốt được, con sẽ oẹ ra.
Ngoài ra, người mẹ nên phân biệt rõ giữa oẹ và hóc. Mẹ nên trang bị cho mình kiến thức xử lý tình huống khi con bị hóc, tuyệt đối không móc tay vào miệng con hay cho con uống nước, dị vật sẽ càng đi sâu vào trong gây ngạt thở.
Chị có nhắc đến "thức ăn được thái phù hợp với kỹ năng". Thế nào là thức ăn phù hợp với kĩ năng?
Ở giai đoạn bắt đầu, con còn vụng về nên thức ăn hầu hết là được thái dài, to khoảng bằng ngón tay của mẹ. Thức ăn hầu hết là củ quả luộc, không cho bé ăn thức ăn quá dai, quá trơn hoặc quá nhỏ. Khi con đã thành thạo kĩ năng nhai - nuốt và có dấu hiệu thích nhặt những mẩu thức ăn nhỏ hơn là con đã bước qua giai đoạn mới: Giai đoạn bốc nhón. Khi này, con sẽ thích bốc những mẩu thức ăn nhỏ, con đã xử lý thức ăn tốt hơn. Mẹ sẽ có thể giới thiệu thêm nhiều loại thức ăn cho bé hơn.
Sóc vào giai đoạn bốc nhón rất tự nhiên khi được 8 tháng 12 ngày. Một hôm mẹ dọn tủ còn đậu Hà Lan nên mẹ thử cho em ăn xem, ai dè bạn ý bốc nhón quá siêu mẹ há hốc cả miệng (cười). Sau đó, tôi chăm cắt nhỏ các loại thức ăn cho bạn ý hơn, bạn ý cũng vui vẻ lắm. Hôm nào bò nhiều đói bụng thì ăn ùm ùm, hôm nào lười thì lại nghịch đồ ăn là chính.
Đến giai đoạn này thì bạn ý đã ăn được tất cả các món rồi, trừ các món quá dai và cứng, ăn nhiều hơn, phân đẹp, thích cắn đồ ăn rồi nhổ ra, tháng tăng 1cm chiều cao và 200g cân nặng, hoàn toàn bình thường.







Mức độ thô của các món ăn được chị Thu Phương tăng dần theo từng giai đoạn.




Chị nói mình từng theo ADKN, rồi chuyển sang BLW, đổi qua đổi lại giữa các phương pháp như vậy, chị có nguyên tắc nào nhất định cho việc cho con ăn dặm của mình không?
Dù theo phương pháp nào tôi cũng tuân thủ quy tắc:
- Không nêm đường, không nêm muối vào đồ ăn để con được trải nghiệm vị ngon tự nhiên của từng món ăn. Để con biết con thích ăn gì ghét ăn gì chứ không phụ thuộc nào nêm nếm gia vị. Dưới 1 tuổi cơ thể em bé chưa tự chuyển hoá được muối, ăn mặn rất hại thận của con, còn ăn đường dễ khiến con bị nghiện ăn ngọt, nguy cơ béo phì sau này.
- Dưới 1 tuổi sữa vẫn là thức ăn chủ yếu của con, ăn dặm chỉ là giới thiệu hương vị mới. Sóc bú mẹ hoàn toàn và tôi cũng sẽ cố gắng duy trì sữa mẹ vì sữa mẹ mới là tốt nhất cho trẻ nhỏ
- Không bắt ép con ăn, không làm trò khi ăn, không ăn rong, ăn uống tập trung nếu con không thích nữa cho con dừng ăn luôn. Gầy một chút cũng được, miễn là con không có thói quen ăn uống xấu
- Đa dạng phong phú đồ ăn cho con,cho con thử nghiệm nhiều món mới.
Tôi đã từng sai lầm khi cố nhét thức ăn vào miệng con
Lý thuyết ăn dặm thì nhiều, thực tế có khi lại không giống. Chị từng đã mắc sai lầm gì?
Nếu bạn làm đúng thì lý thuyết rất hữu ích cho từng giai đoạn. Khi bắt đầu cho Sóc ăn dặm BLW, tôi cũng đã định kết hợp với ADKN nhưng Sóc nhà tôi từ chối đút thìa ngay ở bữa thứ 3 thứ. Tôi quyết định cho bé BLW hoàn toàn và phải chống chọi với rất nhiều áp lực.
Một lần tôi đã không chịu nổi vì mọi người bảo con không lên cân, ăn thế này không lớn được nên tôi đã ép con ăn. Tôi cầm thìa thức ăn và nhét vào miệng con dù con khóc rất thảm thiết và lắc đầu nguầy nguậy, nhổ ra phì phì. Lúc đấy con khóc, mẹ khóc. Con khóc vì không hiểu sao hôm nay mẹ lại làm như thế trong khi mọi khi con tự gậm nhấm rất vui, mẹ khóc vì bất lực, vì thương con.
Sau lần đấy tôi rất hối hận và quyết định bỏ ngoài tai tất cả. Tôi chọn tin tưởng vào bản năng của con, không quá coi trọng cân nặng nữa miễn là con vẫn phát triển các kĩ năng đều là được.
Đến giờ Sóc đã ăn được mọi thứ, đi đâu tôi cũng cho Sóc đi cùng mà không phải lo lắng gì cả, tôi tin tôi đã lựa chọn đúng. Tuy nhiên quãng đường còn dài, Sóc phải tập xúc thìa và dùng bát nữa mới hoàn thiện được kĩ năng ăn, nhưng tôi không vội vàng nữa vì tôi biết là con sẽ làm được.
Chị có lời khuyên gì cho các mẹ tránh đi vào "vết xe đổ" của mình?
Lời khuyên của tôi cho các mẹ là, hãy tin tưởng con, tin tưởng vào phương pháp mình đã chọn. Nuôi con là chặng đường dài, đừng đo từng gram cân nặng của con làm gì. Đừng stress và áp lực về điều đó, đừng làm con sợ hãi trước mỗi bữa ăn. Hãy để con ăn vui vẻ, để con cảm thấy hạnh phúc vì được ăn ngon.
Xin cám ơn chị vì đã chia sẻ!
theo Vietnamnet


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn