Trong nuôi dạy trẻ, cha mẹ thường có hai khuynh hướng. Một bên luôn bao bọc, nâng đỡ khi con quấy khóc. Bên còn lại thì cho rằng, như vậy sẽ khiến bé nhận ra sự quan tâm đặc biệt và đâm ra vòi vĩnh. Vậy, có nên “phạt” hay không, ngay từ khi các bé còn nhỏ?







Không, như thế là hư đấy!

Một ngày, thiên thần 5 tháng tuổi của bạn lại có sở thích kéo tóc mẹ, vì bé thấy trò này hay và rất vui. Khi bạn đưa bàn tay bé xíu của con ra khỏi mớ tóc mình, thì bé bỗng òa khóc. Mặc dù không thích, nhưng em bé của bạn vừa học được quy tắc không được nắm hay kéo tóc của ai đó. Tương tự, trường hợp diễn ra với một em bé 9 tháng tuổi thường xuyên thích gặm vai mẹ, khiến bạn phát khóc vì đau đớn. Khi bạn phản ứng lại với những hành động này, bé cũng sẽ bắt đầu tỏ thái độ cáu giận, bực tức.

Từ sáu tháng đến một năm tuổi, bé hoàn toàn có thể hiểu được tiếng “không” trong những yêu cầu của bạn. Khi bạn thiết lập tiếng “không” một cách rõ ràng, bé sẽ dần hiểu những điều được thực hiện và những thứ không cho phép ở thời điểm nhất định. Chẳng hạn, khi trẻ biểu lộ trạng thái tức giận, bạn cần bắt đầu “thiết quân luật”, dù bé đang ở tháng tuổi nào. Đừng chờ tới lúc “bé lớn lên” thì đã quá muộn.
Đúng hay sai?
Bạn cần cố gắng kiềm chế và đừng tỏ thái độ cáu giận với con trong những tình huống như trên, kể cả bé có giậm tay chân hay khóc váng lên. Hãy nhìn toàn cảnh từ khi chào đời đến hiện tại, thường thì bé luôn đạt được những gì mong muốn vào bất cứ thời điểm nào, nên thái độ của bé trước bạn khi bị từ chối là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi đói, bé khóc và đồ ăn xuất hiện. Khi lạnh và cô độc, bé khẽ kêu lên và bạn vội chạy đến bên, vòng tay ôm và sưởi ấm cho thiên thần non nớt ấy. Khi chán, bé gọi mẹ bằng những tiếng u ơ và bạn ngay lập tức chạy vào chơi với bé. Thế nên, bé luôn mong muốn những điều tương tự xảy ra và cần phải được đáp ứng tức thì. Do vậy, lần đầu nghe được tiếng “không” cùng những phản ứng từ chối của bạn, bé sẽ cảm thấy sốc và thất vọng. Nhưng dù sao, bé sẽ dần học được những quy tắc đầu đời trong cuộc sống mà bạn đang thiết lập, để quen với những kỷ luật hơn, chứ không còn “muốn gì được nấy” nữa.

Dù còn quá nhỏ để hiểu, nhưng bạn cần thường xuyên lặp lại các quy tắc kỷ luật cho bé làm quen. Đồng thời, bạn nên bình tĩnh trước những phản ứng của con và dỗ dành bé nín khóc. Bạn cũng có thể đánh lạc hướng trẻ, bằng cách xoa dịu như ôm hôn, trò chuyện…, để trẻ quên đi “mục đích” chính của mình.
Linh Vũ (tạp chí Bầu)



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn